Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.
Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.
Tiến sỹ Cao Văn Trường, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu rõ, “Tăng trưởng xanh” đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ thực trạng tỷ lệ rừng suy giảm.
Trên thực tế,Việt Nam đẵ triển khai nhiều hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999). Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như chương trình cấp nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sinh thái cho ngành Du lịch cũng được triển khai.
Tiến sỹ Cao Văn Trường nhấn mạnh, để có nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, việc đầu tiên chúng ta phải có được câu trả lời cho những câu hỏi sau:
Thứ nhất, nền kinh tế xanh là gì? Đó là nền kinh tê tạo ra cải thiện phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái.
Thứ hai, mục tiêu của nền kinh tếxanh là gì? Nền kinh tế xanh tìm cách duy trì cân bằng vôn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo sự phân phối công bằng của chúng, cho toàn nhân loại và cho các thế hệ tương lai. Nó đi đôi với việc sửa đổi các phương thức sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, để chúng tích hợp các hạn chế về môi trường và xã hội.
Thứ ba, Việt Nam có vị trí như thế nào trên thế giới về nền kinh tế xanh?
Theo giáo sư Trương Quang Học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thì kinh tế xanh được xuất phát bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên được tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng hiệu quả việc tăng năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững.
Đặc biệt, việc đầu tư phát triển kinh tế xanh cần được hỗ trợ từ những cải cách về chính sách trong nước và quốc tế cũng như nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xanh theo hướng nào và hiệu quả đến đâu.
Xuân Hải (t/h)