Viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ danh dự, là những danh hiệu cao quý - được các trường đại học trên thế giới trao tặng cho những nhà khoa học, những chính trị gia lỗi lạc, các nhà hoạt động xã hội xuất sắc và những người có đóng góp đặc biệt cho sự tiến bộ - phát triển của nhân loại.

Ông Nguyễn Đình Thắng tại Diễn đàn Khoa học và kinh tế Toàn cầu.
Ông Nguyễn Đình Thắng tại Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu

Năm 2023 có 50 viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam vinh dự được trao sắc phong. Trong đó, doanh nhân Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hồng Cơ Group, Thành viên Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghiệp Vinh (IUV) được sắc phong Giáo sư Kinh tế danh dự của Đại học Apollos (Hoa Kỳ) và Tiến sĩ Khoa học và Công nghệ danh dự của Trường Đại học Quốc tế mở và trực tuyến (Canada).

Nhân dịp này, sau khi trở về từ “Diễn đàn Khoa học và Kinh tế Toàn cầu”, phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã có dịp gặp gỡ, chúc mừng Giáo sư, Tiến sĩ danh dự Nguyễn Đình Thắng và có cuộc trao đổi để tìm hiểu thêm về các xu hướng chuyển đổi số năm 2024.

Xin chào GS. TS. danh dự Nguyễn Đình Thắng, được biết ông đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT và được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số, người truyền lửa khơi dậy nhiệt huyết kinh doanh và đam mê khởi nghiệp sáng tạo, xin ông cho biết các xu hướng chuyển đổi số năm 2024 của thế giới và Việt Nam là gì? Và tại sao nó lại được xem là xu hướng chuyển đổi số 2024; nó có gì đặc biệt?

Ông Nguyễn Đình Thắng:Trước hết, xin đề nghị phóng viên gọi tôi theo tên khai sinh hay tên thường gọi là ông Thắng - Hồng Cơ, vì danh xưng Giáo sư, tiến sĩ danh dự là sự đánh giá và ghi nhận quốc tế về những đóng góp nhỏ bé của cá nhân tôi cho cộng đồng xã hội, không phải là chức danh do bảo vệ luận án Tiến sỹ, Giáo sư do Hội đồng Giáo sư đánh giá công nhận.

Trở lại câu hỏi của phóng viên đề cập. Như chúng ta đã biết, Việt Nam nói riêng và toàn Thế giới nói chung đã bước vào Kỷ nguyên CMCN 4.0, đánh dấu mốc đặc biệt khác với tiến trình phát triển tuần tự của các cuộc cách mạng trước, sẽ tạo nên sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực về nhận thức, thể chế, công nghệ, quản trị điều hành, nghiên cứu, sản xuất, thương mại, dịch vụ, hành vi tiêu dùng…, tạo ra năng xuất lao động không giới hạn.

CMCN 4.0 mà trọng tâm là chuyển đổi số tạo cơ hội cho các quốc gia, các doanh nghiệp, cá nhân có thể cùng bước vào vạch xuất phát điểm của cuộc chạy đua chuyển đổi số nhằm xây dựng nền Kinh tế số, Xã hội số, Văn hóa số, Công dân số hướng đến mục đích kiến tạo nền kinh tế xanh - mô hình phát triển kinh tế bền vững toàn cầu. Đó là xu hướng tất yếu của năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hiện nay, rất nhiều khái niệm liên quan đến nền kinh tế xanh, vậy xin ông cho biết nền kinh tế xanh - mô hình phát triển kinh tế bền vững toàn cầu được hiểu như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Thắng:Có nhiều khái niệm về nền kinh tế xanh (Green Economy), nhưng đều hướng tới mục đích là kiến tạo nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng, tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất.

Nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp tiến tới zero carbon, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội. Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.

Ông Nguyễn Đình Thắng trao đổi với phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Công luận.
Ông Nguyễn Đình Thắng trao đổi với phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận

Các lĩnh vực kinh tế chính của nền kinh tế xanh: Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Sản xuất, Giao thông vận tải, Kiến trúc xây dựng, Tài nguyên môi trường, Du lịch Sinh thái, Năng lượng sạch (Gió, Mặt trời, Sóng biển, Tái tạo) và các lĩnh vực khác của đời sống.

Xin ông chia sẻ những khó khăn, thách thức và cơ hội Kiến tạo nền kinh tế xanh - mô hình phát triển bền vững toàn cầu?

Ông Nguyễn Đình Thắng:Thế giới đang phải đối mặt với các hiểm họa, khó khăn thách thức cần phải vượt qua mang tính toàn cầu: Hiện tượng biến đổi khí hậu do khí thải Carbon, tàn phá rừng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên…gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng do:

Bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất, sóng thần, sa mạc hóa, xâm thực mặn, thay đổi nhiệt độ vùng, tuyết tan, cháy rừng…; Môi trường sống bị ô nhiễm gây đại dịch làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu, suy thoái kinh tế; thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh tàn phá nền kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp;

Xung đột vũ trang nội bộ quốc gia và giữa một số nước gia tăng, có nguy cơ bùng nổ chiến tranh hủy diệt; Mâu thuẫn, không hòa hợp về Sắc tộc, Tôn giáo; Nguy cơ mất cân đối lương thực, năng lượng toàn cầu; Chênh lệch mức sống, y tế, giáo dục của người dân ngày càng cao giữa các nước kém phát triển và các nước phát triển;

Lạm dụng công nghệ cao vì mục đích chiến tranh, phá hoại, lừa đảo, lợi ích nhóm, cá nhân; Ứng dụng công nghệ cao không bị giới hạn về qui ước, qui định sẽ dẫn tới thảm họa của xã hội về phá vỡ văn hóa truyền thống gia đình, gia tộc, văn hóa dân tộc; nạn thất nghiệp của hàng trăm triệu người, nạn trầm cảm sẽ là nguyên nhân tự tử của hàng triệu người vì mất đi mục đích sống là được làm việc và cống hiến…

Hiện tại, chúng ta đang sống trong thế giới được nhà tương lai học Jamais Cascio định nghĩa là: “BANI world”: B - Brittle: Mong manh; A - Anxious: Lo lắng; N - Non-linear: Phi tuyến tính; I - Incomprehensible: Khó hiểu. Vì thế nền kinh tế, doanh nghiệp, con người luôn phải thay đổi linh hoạt, thích nghi và vươn lên kiến tạo sự phát triển bền vững.

Với Việt Nam còn phải đối diện với khó khăn là nền kinh tế mới phát triển, hạ tầng công nghệ còn non trẻ, thiếu nguồn lực. Nhưng chúng ta đang có cơ hội, điều kiện thuận lợi để bứt phá, kiến tạo, đó là:

Nhận thức và mong muốn của con người là hòa bình, ấm no và hạnh phúc; Thế giới đã hiểu rõ các tác hại của việc lạm dụng công nghiệp hóa, tàn phá tài nguyên, môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống con người và cân bằng môi trường.

Liên hiệp quốc đã đề ra 17 mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường được công bố vào năm 2015 và dự kiến sẽ được thực hiện đến năm 2030; Cuộc CMCN 4.0 là tiến bộ vượt bậc của ứng dụng công nghệ mới để kiến tạo nền kinh tế phát triển bền vững toàn cầu.

Với Việt Nam còn có thêm thuận lợi là khát vọng vươn lên hùng cường của cả dân tộc; nguồn nhân lực trẻ có kiến thức và năng lực nghiên cứu sáng tạo; Nước ta chưa có nền tảng công nghiệp hóa như các nước phát triển lại là lợi thế để chúng ta đi tắt, ứng dụng ngay công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp không ô nhiễm, nông nghiệp công nghệ cao…

Theo ông, CMCN 4.0 mà trọng tâm là Chuyển đổi số - chính là giải pháp duy nhất để kiến tạo nền kinh tế phát triển bền vững?

Ông Nguyễn Đình Thắng:Theo tôi, chuyển đổi số là một giải pháp, phương thức quan trọng hàng đầu để đổi mới, sáng tạo nâng cao năng xuất lao động, hiệu quả quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… hướng tới xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số và công dân số.

Như vậy, theo ông để kiến tạo nền kinh tế xanh - mô hình phát triển kinh tế bền vững, thì cần thêm các yếu tố, phương thức gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Thắng: Cuộc CMCN 4.0 mà trọng tâm là chuyển đổi số cho chúng ta cơ hội để phát triển vượt bậc, nhưng cơ hội thì cần phải nắm bắt và thực thi với tốc độ nhanh nhất, phát huy mọi nguồn lực để chạy đua giữa các cá nhân, doanh nghiệp, địa phương, quốc gia hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Sứ mệnh của mỗi người chúng ta và giải pháp tổng thể là phải Sáng tạo (Innovation) - Kết nối (Connection) - Chia sẻ (Sharing) để cùng phát triển - Kiến tạo nền kinh tế xanh - mô hình phát triển kinh tế bền vững toàn cầu.

Đây là khái niệm mới, ông có thể diễn giải cụ thể hơn?

Ông Nguyễn Đình Thắng: Về Sáng tạo:

Thứ nhất, phải khởi đầu từ tư duy đổi mới sáng tạo về nhận thức, tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và hành động cụ thể nhằm mang lại hiệu quả cao, thiết thực vì tiến bộ của Xã hội và hạnh phúc của con người.

Thứ hai, là phải nắm bắt công nghệ, ứng dụng công nghệ cao: (i) Công nghệ thông tin: IoT, AI, Blockchain, BigData, Robot, 5G, Cloud… (ii) Công nghệ Sinh học (Biotechnology): Công nghệ Gen (Genetic Engineering), các chương trình nhân giống sử dụng Nhân tạo chọn lọc và Lai tạo với các khoa học Sinh học phân tử, Sinh hóa, Sinh học tế bào, Phôi học, Di truyền học, Vi sinh vật; (iii) Công nghệ cao, mới như thông tin lượng tử (Vật lý lượng tử + Máy tính lượng tử), Nano, công nghệ vi mạch, bán dẫn…để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các nguyên vật liệu mới, giống mới, phương pháp mới, thiết bị, sản phẩm mới, ứng dụng mới trong mọi lĩnh vực Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, môi trường.

Thứ ba, là Liên hiệp quốc nói chung và các nước nói riêng phải cùng nhau xây dựng, hoàn thiện, ký kết và ban hành các công ước, qui ước phù hợp với tiến trình kiến tạo hòa bình, kiến tạo nền kinh tế xanh và hành tinh xanh.

Về Kết nối:

Thứ nhất, cần phải kiến tạo Thế giới phẳng: bình đẳng về quan hệ quốc tế, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu; kết nối các Cơ sở dữ liệu mở; phổ cập về kiến thức giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế, đi lại, giao thương, giao lưu văn hóa, thể thao… trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, văn hóa dân tộc, tín ngưỡng.

Thứ hai, là cần ứng dụng công nghệ thông tin (Intenet, 5G, IoT, Metaverse, AI…) để thu thập, kết nối, xử lý thông tin, dữ liệu thông minh hỗ trợ, tư vấn cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, giải pháp phục vụ quản lý Nhà nước của Quốc gia, thành phố, địa phương thông minh (các lĩnh vực thông minh hóa: Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Sản xuất, Giao thông, Qui hoạch kiến trúc, Giáo dục đào tạo, Y tế, Tài nguyên môi trường, Du lịch, Năng lượng, Logistic và các ngành kinh tế khác). Tạo dựng nền tảng công nghệ, ứng dụng công nghệ kiến tạo Hệ sinh thái tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; xây dựng, quản lý điều hành doanh nghiệp xanh, tài chính xanh, thương mại và cung cấp dịch vụ trên nền tảng WEB 3.0… lấy con người là đối tượng trung tâm để phục vụ với chất lượng ngày càng tốt hơn trong một môi trường xanh.

Thứ ba, là ứng dụng AI, Blockchain, Bigdata và các giải pháp công nghệ cao khác để giải quyết bài toán cân đối an ninh lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu toàn cầu (Zero Carbon) hướng đến mục tiêu là kiến tạo nền kinh tế xanh, hành tinh xanh.

Về Chia sẻ:

Để có thể thay đổi Thế giới hiện tại thành một Thế giới Hòa bình với nền kinh tế xanh, cùng mưu cầu hạnh phúc, thì nhân tố quan trọng là mỗi người chúng ta phải thay đổi Nhân tâm để sống Nhân văn, hiểu và biết yêu thương, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội, dữ liệu, nguồn lực, lợi nhuận, quyền lợi.

Và cao hơn cả là - mỗi người chúng ta đang và sẽ phấn đấu cống hiến cho sự kiến tạo, phát triển một Thế giới Hòa bình, một nền kinh tế phát triển bền vững toàn cầu, một Xã hội Siêu thông minh 5.0 (theo triết lý của Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo) và vì tương lai tươi đẹp cho các thế hệ con cháu chúng ta.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bá Cường (Thực hiện)