Điều kiện đối với người hành nghề công tác xã hội - Hình 1

Nhân viên CTXH hỗ trợ người bệnh đăng ký khám chữa bệnh

Theo dự thảo, người làm công tác xã hội là người làm một hoặc nhiều hoạt động của công tác xã hội.

Người làm công tác xã hội bao gồm:

1- Công chức nhà nước làm công tác quản lý nhà nước về công tác xã hội;

2- Viên chức nhà nước làm công tác xã hội tại các đơn vị sự nghiệp công lập;

3- Người làm công tác xã hội trong các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật;

4- Người làm công tác xã hội trong các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp và đoàn thể khác;

5- Người làm công tác xã hội độc lập.

Người hành nghề công tác xã hội là người làm công tác xã hội, được đào tạo và có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác xã hội; được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Người hành nghề công tác xã hội là một bộ phận trong tổng số những người làm công tác xã hội, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo quy định tại Luật này.

Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề

Theo dự thảo, điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam là: Văn bằng chuyên môn liên quan đến công tác xã hội được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam; có văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội; có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề công tác xã hội; đạt kỳ thi sát hạch theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bên cạnh đó, không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn công tác xã hội theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn công tác xã hội; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; không có tiền án, tiền sự liên quan đến xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài là: Có đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề nêu trên; đáp ứng yêu cầu về giao tiếp ngôn ngữ trong hoạt động hành nghề công tác xã hội; có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại xác nhận; có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều kiện đối với người hành nghề công tác xã hội - Hình 2

Điều kiện đối với người hành nghề công tác xã hội - Hình 3

Ảnh minh họa

Trường hợp người nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề công tác xã hội do nước ngoài cấp thì không tham gia kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều kiện cấp lại chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề là: Có đủ điều kiện nêu trên, trừ điều kiện về văn bản xác nhận quá trình thực hành công tác xã hội; có giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức công tác xã hội liên tục theo quy định.

Cũng theo dự thảo, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội hoạt động phải đáp ứng điều kiện sau: Có quyết định thành lập đối với cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ngoài công lập; có giấy phép hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

Việc thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và đăng ký thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập do Chính phủ quy định.

Về các tiêu chuẩn cụ thể, dự thảo nêu rõ, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội (cơ sở) phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, môi trường và không khí trong lành có lợi cho sức khoẻ của người; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.

Cơ sở phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất sau: Diện tích đất tự nhiên; diện tích phòng ở; cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện); các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em tiếp cận và sử dụng thuận tiện. Chính phủ quy định chi tiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật của cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Về môi trường, khuôn viên và nhà ở, theo dự thảo, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội bảo đảm có địa điểm thuận tiện, môi trường xanh, sạch và bảo đảm khuôn viên và nhà ở có yếu tố đặc thù, phù hợp với cơ sở ở khu vực nông thôn, miền núi và khu vực đô thị. Cơ sở vật chất của cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về xây dựng, phù hợp với đặc điểm của người.

Cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng để chăm sóc người, phù hợp với những người có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những người có chế độ ăn kiêng theo bệnh tật, theo tôn giáo hay tín ngưỡng. Cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội bảo đảm cho người được học văn hóa, học nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu và theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bảo đảm cho người chăm sóc tại cơ sở tiếp cận về văn hóa, thể thao, thể dục và giải trí phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm của người.

Tiêu chuẩn về nhân viên công tác xã hội

Theo dự thảo, nhân viên công tác xã hội phải bảo đảm tiêu chuẩn sau đây: Có sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội người; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; có kỹ năng nghề công tác xã hội để trợ giúp xã hội.

Cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội có đội ngũ nhân viên công tác xã hội bảo đảm đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở.

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội

Theo dự thảo, cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1- Cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập được thành lập theo quy định; cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ngoài công lập được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo quy định hoặc cơ sở được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2- Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích. Từ ngày 1/1/2025, người đứng đầu cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội phải có chứng chỉ hành nghề công tác xã hội.

3- Có nhân viên hành nghề công tác xã hội, nhân viên trực tiếp tư vấn và nhân viên chăm sóc người sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Từ ngày 1/1/2025, người làm công tác xã hội tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội phải có chứng chỉ hành nghề công tác xã hội.

4- Trường hợp cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng người thì ngoài các điều kiện quy định trên còn phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực do Chính phủ quy định chi tiết.

Đinh Hoàng