Theo đó, trong 2 tối 2 và 3/9, các đoàn nghệ thuật sẽ đồng loạt dựng sân khấu, sáng đèn biểu diễn tại trung tâm quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Mê Linh… Trong đợt biểu diễn này, Nhà hát Kịch Hà Nội mang đến các tiết mục chùm hài kịch: Thử thách, Ghen, Tình yêu lính đảo.

Dịp lễ 2/9: Hà Nội sẽ tổ chức 30 chương trình nghệ thuật - Hình 1

30 chương trình nghệ thuật sẽ được trình diễn tại các quảng trường trung tâm và nhà văn hóa 30 quận, huyện trên toàn TP. Hà Nội

Nhà hát Chèo Hà Nội là các trích đoạn chèo và tiết mục dân ca. Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội là các chương trình xiếc chọn lọc. Bên cạnh đó, chương trình văn hóa nghệ thuật kỷ niệm ngày 2/9 của Thủ đô còn có sự góp sức của các đoàn Cải lương Thanh Hóa, Cải lương Thái Bình, Đoàn kịch nói Hải Phòng… Ngoài ra, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, trước cửa sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trung tâm thị xã Sơn Tây và trung tâm huyện Đông Anh sẽ là các chương trình nghệ thuật được đầu tư hoành tráng, dàn dựng theo ý tưởng, đặc biệt nhấn mạnh các ca khúc hay về Hà Nội. Các chương trình này sẽ do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thực hiện. Chỉ trong 2 ngày, Hà Nội đã chuẩn bị 30 chương trình phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí nhân dip nghỉ lễ cho người dân từ các huyện ngoại thành đến khu trung tâm TP.

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động, từ đầu tháng 8/2017, Sở đã lắp dựng 4 cụm pano tấm lớn tại các khu vực vùng ven cửa ngõ như: Đại Cồ Việt, ngã tư Daewoo – Liễu Giai, Trần Nhân Tông, Cát Linh – Giảng Võ, 7 cụm pano cỡ vừa tại 7 vị trí trung tâm, và 11 cụm trước trụ sở Thành ủy, UBND TP… Hai nghìn băng rôn dọc mang dòng chữ chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 cũng đã được treo, dựng ở nhiều tuyến đường của TP.

Cũng trong dịp này nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền lưu động cũng được tổ chức rộng rãi từ TP đến cơ sở, tạo không khí vui tươi của ngày hội lớn. Ngay sáng 27/8 vừa qua, tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm đã diễn ra giải đua xe đạp Hà Nội mở rộng. Đây cũng sẽ là khu vực để giải đua xe đạp Cúp truyền hình VTV diễn ra vào ngày 2/9 tới.

Khu trung tâm Hà Nội này luôn là “địa chỉ vàng” hội tụ các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc trong những ngày hội lớn của đất nước. Bởi chiều 2/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội còn diễn ra chương trình hòa nhạc "Điều còn mãi" – chương trình nghệ thuật “đến hẹn lại lên” vào dịp Quốc khánh hằng năm, được đầu tư công phu, hoành tráng và đậm ý nghĩa trong ngày Tết Độc lập của dân tộc. Chương trình năm 2017 này còn hội tụ trên sân khấu những bản hòa tấu mang âm hưởng hào hùng như: Ca ngợi Tổ Quốc, Linh thiêng hồn dân tộc, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, chương trình giao hưởng Trở về Điện Biên, Hướng về Hà Nội, Tình ca…

Sau đợt tuyên truyền kỷ niệm ngày 2/9, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 45 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và hoạt động chào mừng năm mới 2018.

PV