Tiềm năng lớn để phát triển điện gió

Theo các chuyên gia, Việt Nam nằm ở vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc phát triển nguồn năng lượng điện gió. Cụ thể, Việt Nam thuộc vùng khí hậu gió mùa, được định hình bởi đường bờ biển dài hơn 3.000 km, với 39% lãnh thổ có tốc độ gió lớn hơn 6m/s, tương đương tiềm năng sản lượng điện gió 513 GW.

TS. Cao Đức Phát, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Việt Nam có tiềm năng lớn và nên phát triển điện gió bao gồm cả điện gió ngoài khơi. Hơn nữa, chủ trương mà bộ chính trị đã nêu trong Nghị quyết 25 hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế có công nghệ, tài chính, kinh nghiệm thực tiễn mong muốn hỗ trợ và đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 3/2020, có 78 dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực với công suất khoảng 4.880 MW; 11 dự án điện gió đã phát triển với tổng công suất 377MW; 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW, kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 và 2021. Ngoài ra, còn gần 250 dự án điện gió, có tổng quy mô công suất tới 45.000MW đang đề nghị bổ sung quy hoạch. Đây là con số thể hiện sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp về loại hình năng lượng này.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, với đặc thù đường bờ biển dài của Việt Nam, nếu khai thác được điện gió trên biển sẽ tạo ra một nguồn năng lượng sạch cực kỳ to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa khai thác được hết những ưu đãi của tự nhiên để phát triển điện gió. Không những thế, các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn đối với các dự án này. Chẳng hạn, bàn giao diện tích mặt biển cho chủ đầu tư đang vướng nhiều thủ tục như cho thuê đất thế nào, đảm bảo an ninh quốc phòng ra sao... Thêm vào đó, thời hạn để hưởng giá FIT là cuối năm 2021, không đủ để nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án điện gió mới. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nước, nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất, không thể cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị thi công, các nhà thầu cũng không thể đảm bảo tiến độ thi công trước thời hạn trên.

Trước những khó khăn, các nhà đầu tư cho rằng, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp điện gió.

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư quan điểm, tại Anh sau vài năm hợp tác với Đan Mạch để kéo chuỗi cung ứng về nước đã giảm giá thành xuống tới 50%. Từ thực tế đó, Việt Nam cũng nên áp dụng chính sách phù hợp. Ví như, Chính phủ kết hợp với khối tư nhân, thành lập một Task Force chỉ chuyên nghiên cứu về chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Từ đó, Việt Nam mới xác định được thiếu những gì, doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào khâu nào trong chuỗi này và có thể giảm giá thành đầu tư xuống được bao nhiêu. “Nếu không bắt đầu từ chuỗi cung ứng thì tôi e rằng mọi chính sách đều rất mong manh”, ông Đông nêu ý kiến.

Còn nhiều vướng mắc trong việc thu tiền thuê mặt bằng các dự án điện gió trên mặt biểnCòn nhiều vướng mắc trong việc thu tiền thuê mặt bằng các dự án điện gió trên mặt biển

Kiến nghị miễn tiền thuê mặt biển

Với những bất cập trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, kiến nghị về việc “vướng mắc thu tiền các dự án điện gió trên mặt biển, bao gồm cả tổng diện tích khu vực biển của các dự án điện gió”. 

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiệu quả phát điện của điện gió trên biển cao gấp 3 đến 4 lần so với điện mặt trời, mặt khác không chiếm diện tích nhiều như điện mặt trời; diện tích chỉ có trụ móng đỡ tua bin và hành lang cáp dẫn điện ở dưới biển - đây là những dự án cách bờ 1 - 10 km chưa tính tới dự án ngoài khơi cách bờ 30 - 50 km.

Theo Thông tư 198/2015/TTLT-BTNMT-BTC của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định “sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió” là hoạt động sử dụng khu vực biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển đó, trong khi đó, điện gió trên bờ được miễn phí diện tích các trụ gió, còn thông tư này nếu có tính tiền sử dụng mặt biển chỉ nên tính tiền diện tích của trụ gió với diện tích các đường dây cáp ngầm dưới biển, không nên tính toàn bộ diện tích khu vực biển của dự án điện gió.

Nếu tính như trên, tiền trả cho toàn bộ diện tích điện gió lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư không có tiền để đầu tư dự án trên biển và gây khó khăn cho việc phát triển điện gió trên biển - một nguồn năng lượng có hiệu quả cao, không gây ảnh hưởng tới môi trường về sinh vật biển và tài nguyên trên biển, lòng đất dưới đáy biển…

Vì vậy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá quy định của Thông tư 198/2015/TTLT-BTNMT-BTC chưa sát với thực tế cuộc sống đang diễn ra cần phải sửa đổi sớm. Đồng thời, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị cần ra quy định mới.

Theo đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị, cần quy định rõ diện tích sử dụng khu vực biển của dự án điện gió trên biển là diện tích của trụ móng tua bin, gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió, các đường cáp ngầm đấu nối (tương tự như dự án điện gió trên đất liền).

Năng lượng gió trên biển không nên coi là tài nguyên biển, việc khai thác năng lượng gió trên biển không phải là việc lấy, hoặc sử dụng tài nguyên biển, chỉ có diện tích móng trụ tua bin như nêu trên.

Cần miễn tiền sử dụng khu vực biển đối với tổng diện tích của móng trụ tua bin gió, bao gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió, các đường cáp ngầm đấu nối điện gió (như đối với các dự án điện gió trên đất liền), có như vậy mới khuyến khích được phát triển điện gió trên biển.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc sửa đổi theo nội dung nói trên sẽ đem lại sự công bằng giữa các dự án điện gió, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng quy định tại Khoản 4, Điều 5 Luật Đầu tư năm 2014. 

Trước những đề xuất của doanh nghiệp, TS. Cao Đức Phát cho rằng, để thực hiện Nghị quyết 55, cơ quan chức năng cần phải đề ra được những chính sách đột phá để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó có điện gió, điện gió ngoài khơi và đặc biệt là cơ chế giá. Việc triển khai các biện pháp hỗ trợ cần đảm bảo 3 bên là doanh nghiệp, người dân và chính phủ đều được hưởng lợi.

Bùi Quyền