Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 7.962 km2 (chiếm 3/4 diện tích toàn tỉnh), gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh; với 174 xã, thị trấn, 1.551 thôn, bản, khu phố, trong đó có 318 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Toàn vùng có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Dân số toàn vùng trên 1,1 triệu người, trong đó có 710.240 người DTTS.
Theo báo cáo tại buổi khảo sát, 5 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Kinh tế - xã hội trong vùng đã có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 6%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong vùng được cải thiện rõ rệt; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tăng cường và nâng cấp; các vấn đề về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; công tác giáo dục - đào tạo, văn hóa, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến tích cực; đồng bào các dân tộc được tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước.
Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng được giữ vững. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chấp hành đúng quy định của pháp luật, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc...
Giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 83.314 lao động là người DTTS, dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng DTTS và miền núi; trong đó có 8.614 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 70,6%.
Tỉnh đã hỗ trợ cho 346 hộ làm nhà ở; đầu tư xây dựng 33 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ 11.301 hộ mua dụng cụ chứa nước sinh hoạt phân tán. Đang thực hiện đầu tư 3 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tập trung với số vốn đã phân bổ 73.994 triệu đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Hiện đã thực hiện sắp xếp, ổn định cho 282 hộ dân và đang triển khai thực hiện 17 dự án tái định cư để sắp xếp ổn định cho 556 hộ dân.
Tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sạch đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ đời sống Nhân dân. Đến nay, 100% xã, thị trấn và 100% thôn, bản vùng DTTS, miền núi trong vùng đã có điện lưới quốc gia. Toàn vùng hiện có 68 xã, 691 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã và 58 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 13,83 tiêu chí/xã.
Công tác phát triển nguồn ngân lực cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức người DTTS từ cấp huyện trở lên trên địa bàn tỉnh là 304 người, cấp xã là 2.376 người; tổng số viên chức người DTTS là 3.368 người. Công tác quản lý, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS từng bước được chuẩn hóa, nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thực tiễn của vùng DTTS.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại, như: Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là ở cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều hạn chế; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm; chưa phát huy được tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vùng DTTS và miền núi...
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát đã đề nghị các sở, ngành có liên quan của tỉnh giải trình, làm rõ một số mặt công tác trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian qua như vấn đề dân tộc, tôn giáo, công tác đảm bảo an ninh biên giới, việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào Mông...
Nhiều thành viên cũng đóng góp ý kiến, gợi mở giải pháp thiết thực để tỉnh tiếp tục tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc và công tác dân tộc vùng đồng bào DTTS thời gian tới. Và làm rõ hơn một số chính sách đặc thù, riêng biệt cho vùng đồng bào DTTS mà tỉnh Thanh Hóa đã ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Nêu một số vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, nhất là tình trạng vướng các quy định của pháp luật trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh khẳng định, dù còn gặp nhiều khó khăn, song tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm, tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách ưu đãi, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị Đoàn công tác của Trung ương báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng có ý kiến với Chính phủ sớm có chính sách tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như công trình giao thông, khu công nghiệp..., nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân ngay tại quê hương mình, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút sinh viên người DTTS sau khi tốt nghiệp ra trường được bố trí công tác trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp huyện.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển; đồng thời, điều chỉnh danh sách các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2026-2030 bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn....
Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chân thành cảm ơn Đoàn công tác của Trung ương đã lựa chọn tỉnh Thanh Hóa để tiến hành khảo sát, nắm bắt kết quả, những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc, làm cơ sở đề xuất Trung ương ban hành các chính sách pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại buổi khảo sát, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phấn đấu, nỗ lực đạt được trong thực hiện các chủ trương của Đảng nói chung, Kết luận số 65-KL/TW nói riêng. Đồng thời khẳng định với nhiều kết quả nổi bật đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa là hình mẫu trong thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị trong phạm vi cả nước.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng điểm qua một số kết quả nổi bật của tỉnh so với nhiều địa phương khác trong cả nước, như đã ban hành nhiều chính sách riêng biệt, đặc thù nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó có Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng nhiều chương trình, đề án đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Quan tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc; làm tốt công tác dân vận trong vùng DTTS...Và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh để đoàn khảo sát tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư có ý kiến đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét tháo gỡ, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Khánh An