Đồng hành trong mọi hoạt động của doanh nghiệp
Những năm gần đây, việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế, đặc biệt là các thoả thuận thương mại thế hệ mới như Hiệp định EVFTA, đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường tiềm năng này.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải đối mặt với các tranh chấp thương mại, do quy định của các thoả thuận, cũng như quy định của từng thị trường.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016 - 2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020, nhưng tính đến hết tháng 7 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra.
Trong hoàn cảnh đó, vai trò tư vấn, hỗ trợ pháp lý đối với hoạt động của doanh nghiệp càng trở nên quan trọng.
Ông Trịnh Minh Trí, phụ trách mảng thị trường nhập khẩu - Công ty CP Đầu tư công nghệ cao Nigita Japan cho biết, doanh nghiệp ký kết những hợp đồng xuất nhập khẩu với đối tác nước ngoài, đều phải được thẩm định pháp lý. Bởi trong nhiều trường hợp, một đơn vị, chủ doanh nghiệp hoặc người quản lý không thể đánh giá được những rủi ro pháp lý tiềm ẩn, vì không có kiến thức chuyên sâu về quy định pháp luật trong nước lẫn quốc tế.
Không chỉ riêng hoạt động xuất nhập khẩu, ông Trí còn cho rằng, gần như tất cả các hoạt động của doanh nghiệp đều rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các luật sư và các đơn vị hỗ trợ pháp lý.
Từ lúc thành lập doanh nghiệp, cũng cần phải nhờ đến đơn vị hỗ trợ am hiểu về luật cho đến hợp tác với người lao động, các chính sách, đãi ngộ cho người lao động..., cần phải hiểu rõ về luật mới tránh được những trường hợp phát sinh dù là nhỏ nhất.
Các nội dung về cổ phần, quyền lợi cổ đông, bán cổ phần đến kế toán, tài chính... cũng cần phải hiểu luật để không làm sai. Khi lập một chi nhánh mới ở trong nước lẫn nước ngoài hay khi công ty muốn IPO ((phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), thì cũng cần phải hiểu luật.
“Nói chung, dù là việc nhỏ hay việc lớn trong một doanh nghiệp, đều liên quan đến pháp luật. Chúng ta đang sống và làm việc dưới sự quản lý của pháp luật. Làm đúng pháp luật thì được bảo vệ, trái luật thì rủi ro sẽ đến, vấn đề là sớm hay muộn. Và luật thì không thể nói hiểu theo cách "chém gió" - mà cần phải có luật sư, người đã được thẩm định, ông Trí nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần chủ động phòng tránh rủi ro pháp lý
Là luật sư có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, luật sư Hoàng Tùng từ Văn phòng Luật sư Trung Hoà nhận định, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phát triển với số lượng cực lớn, tuy nhiên chất lượng và quy mô thì phần lớn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, doanh nghiệp gặp rất nhiều vấn đề lớn và một trong số đó chính là pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Đa phần doanh nghiệp hiện nay chưa có bộ phần phụ trách về pháp luật riêng cho mình (thường gọi là pháp chế doanh nghiệp). Các doanh nghiệp thường lựa chọn sử dụng tư vấn pháp luật ở các đơn vị công ty luật, văn phòng luật khi có tranh chấp xảy ra, nhưng lại hay bỏ qua vấn đề phòng ngừa rủi ro trước đó.
Cụ thể, trong hoạt động, các hợp đồng liên quan đến kinh doanh của công ty, thường sẽ theo 1 hoặc một vài mẫu có sẵn. Các điều khoản không được tham mưu để hoàn thiện theo đúng quy định và có lợi cho doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng thường gặp rủi ro, do không cập nhật quy định mới, quy định thay đổi của luật, cũng như thiếu sự tư vấn, góp ý kiến về những rủi ro trong hoạt động kinh doanh, hợp tác… Bên cạnh đó, các hoạt động quản trị nội bộ doanh nghiệp, quan hệ với người lao động và các cơ quan nhà nước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu sự tư vấn, cập nhật kiến thức pháp luật thường xuyên.
Tai Việt Nam, do phần lớn là doanh nghiệp vừa vả nhỏ nên việc đồng hành của các luật sư thường chỉ dừng lại ở một số hoạt động và theo từng vụ việc. Phần lớn doanh nghiệp tìm đến luật sư, công ty luật để nhận được sự tư vấn với mong muốn bảo vệ quyền lợi của mình khi đã xảy ra tranh chấp mà thiếu các hoạt động kiểm soát, phòng bị từ trước khiến cho thiệt hại của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp đã dần có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật sớm hơn, sử dụng những quy định của pháp luật để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của mình.
“Xu thế đồng hành, hỗ trợ của các luật sư, công ty luật với hoạt động của doanh nghiệp là điều tất yếu và chắc chắn sẽ phát triển trong tương lai”, luật sư Tùng nhận xét.
Một số các hoạt động thường xuyên, công ty luật, văn phòng luật có thể đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động của doanh nghiệp:
Tư vấn, đàm phán, soạn thảo các loại hợp đồng cho doanh nghiệp.
Nhận ủy quyền của doanh nghiệp để tham gia các cuộc đàm phán, tố tụng, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp
Soạn thảo nội quy, quy chế của doanh nghiệp
Cập nhật thông tin pháp luật cho doanh nghiệp, tư vấn để xây dựng, thay đổi các chính sách hoạt động phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật.
Tư vấn quản trị nội bộ doanh nghiệp
Thực hiện các thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, các giấy phép con phục vụ hoạt động của doanh nghiệp…
Thế Sơn