Cụ thể, Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhận định, mặt trận chống hàng giả tiếp tục diễn ra dai dẳng, nhất là giai đoạn trong và sau dịch Covid-19. Đặc biệt, đến năm 2022, khi dịch Covid-19 bắt đầu giảm đi, thì tốc độ cũng như quy mô và tính phức tạp của hàng giả, ngày càng tinh vi hơn.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Nếu như trước đây, hàng giả thường tập trung ở các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... nhưng bây giờ, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ở những mặt hàng khác nhau, ví dụ như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón, vật tư y tế.... Trong 06 tháng đầu năm thì lực lượng lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện ra rất nhiều vụ việc có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn các thương hiệu nổi tiếng.

Trên các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, hàng giả thậm chí còn được vận chuyển một cách tương đối công khai. Đặc biệt là việc mua bán, trao đổi, các kênh giới thiệu quảng bá sản phẩm trong thương mại điện tử cũng góp phần làm cho hàng giả được lưu thông dễ dàng hơn.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn chuộng tên tuổi, thương hiệu món hàng đó vì giá rẻ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử để ngăn chặn.

Để hạn chế rủi ro, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, khi mua trực tuyến, người tiêu dùng nên xem đánh giá của những người tiêu dùng trước hoặc là của các doanh nghiệp đánh giá về doanh nghiệp đó, mức độ uy tín của doanh nhập đó trên thị trường thay vì mua được món hàng giảm giá không ưng ý.

Bên cạnh đó, các chủ sàn thương mại điện tử cũng cần nâng cao trách nhiệm chống hàng giả theo các quy định của Nghị định mới như Nghị định 85/2021.

Ở góc độ đơn vị kinh doanh sàn thương mại điện tử, ông Vũ Anh, Giám đốc chiến lược của Vỏ Sò khẳng định: Các sàn phải chịu trách nhiệm nhất định trước tình trạng hàng giả, hàng nhái. Chẳng hạn, với Vỏ Sò, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, các thông tin của doanh nghiệp bán hàng phải đầy đủ. Trước thông tin hàng giả, hàng nhái tràn lan, Vỏ Sò có các công cụ như eKYC, có chứng minh thư nhưng vẫn phải chụp ảnh…, xác minh thông tin từ người bán.

Tương tự, đại diện sàn Shopee cho biết, việc kinh doanh các mặt hàng giả và sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đều bị nghiêm cấm trên nền tảng của Shopee. “Chúng tôi yêu cầu tất cả người bán tuân thủ các quy định của Chính phủ, cũng như các chính sách đăng bán của Shopee. Chúng tôi cũng tiến hành các biện pháp sàng lọc chủ động khác nhau để xác định các sản phẩm/nhà bán hàng vi phạm. Bên cạnh đó, cung cấp quy trình cần thiết để chủ sở hữu trí tuệ hợp pháp có thể yêu cầu gỡ bỏ các sản phẩm giả mạo. Đối với người tiêu dùng, Shopee cho phép người mua gửi yêu cầu hoàn trả sản phẩm và/hoặc hoàn tiền trước khi hết hạn” đại diện Shopee nói.

Còn với Chợ Tốt, ngay từ khi duyệt tin, sàn này đã áp dụng các biện pháp công nghệ để chặn, loại bỏ các tin liên quan đến hàng nhái, lừa đảo trên hệ thống và đảm bảo môi trường mua - bán minh bạch. Thậm chí, Chợ Tốt phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế (REACT) trong công tác chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thường xuyên cập nhật thông tin hệ thống, nhanh chóng phát hiện, loại bỏ những tin sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng…

Có thể thấy, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn còn là một cuộc chiến lâu dài và sẽ cần đến sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, đặc biệt là siết chặt các chế tài xử lý vi phạm để bảo vệ cái quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Minh An (t/h)