Các doanh nghiệp KH&CN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia,…

Tuy nhiên, những ưu đãi này vẫn vấp phải một số vấn đề nhất định như thủ tục hành chính phức tạp, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đã có, nhưng doanh nghiệp KH&CN còn khó để nhận được ưu đãi… 

Ngoài vấn đề thủ tục hành chính, việc bảo hộ sở hữu và bản quyền cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm khi nộp hồ sơ đăng ký là doanh nghiệp KH&CN.

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Nhiều ưu đãi chưa đi vào thực tế - Hình 1

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do doanh nghiệp được quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp. Vì vậy, doanh nghiệp KH&CN phát triển sẽ đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao. Từ đó, góp phần phát triển nền KH&CN Việt Nam, đồng thời tạo ra việc làm mới, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao.

Hiện cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí hình thành doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có vài trăm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), phần lớn doanh nghiệp KH&CN có cơ sở hạ tầng manh mún, nhỏ lẻ do thiếu nguồn vốn. Vấn đề thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Nhiều sản phẩm KH&CN mới, tạo ra trong nước được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá cao, nhưng lại không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại do sự e ngại của người tiêu dùng, công tác truyền thông hạn chế do thiếu kinh phí; đồng thời không được ưu tiên trong việc xét thầu, lựa chọn từ các dự án đầu tư hoặc dự án mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước dù đáp ứng chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm của các hãng nước ngoài…

Theo thông tin từ Bộ KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Song, từ thực tiễn triển khai cho thấy, để có được con số này là thực sự khó khăn. Từ nay đến năm 2020, các chương trình và các cơ chế, chính sách hiện hành sẽ hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất để hình thành và phát triển khoảng 3.000 doanh nghiệp KH&CN.

Anh Minh