Gần 02 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Phúc Sinh, xuất khẩu được 700 container sản phẩm cà phê, hồ tiêu sang thị trường Châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ… lượng hàng xuất khẩu của công ty đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo doanh nghiệp, khi dịch bệnh một số nước có dấu hiệu chững lại thì nhu cầu tiêu dùng hàng thực phẩm thiết yếu gia tăng nên doanh nghiệp nhận thêm nhiều đơn hàng hơn.
Để đáp ứng đơn hàng đến tháng 06/2022 trong tình trạng thiếu lao động, ngoài tăng ca sản xuất, doanh nghiệp còn thuê thêm dịch vụ nên chi phí sản xuất tăng lên 10-15%. Song việc tăng giá sản phẩm được khách hàng chấp nhận.
“Phúc Sinh cố gắng xuất khẩu những mặt có nhiều giá trị, tăng giá trị thặng dư. Sản phẩm mới của Phúc Sinh tập trung nhiều vào những sản phẩm chế biến, chế biến trong ngành gia vị, chứ không đơn xuất khẩu phẩm sản phẩm đơn thuần, các phẩm chế biến, nghiền, trộn để tăng giá trị” - ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Phúc Sinh chia sẻ.
Tại Công ty Cao su Minh Đức, đơn vị chuyên cung cấp bộ phận nhựa rung trong các thiết bị điện cơ, điện lạnh, gần 02 tháng nay lượng hàng xuất khẩu cho các khách hàng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này đã có đơn hàng đến tháng 06/2022. Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Cao su Minh Đức cho biết, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển hàng hóa đều tăng.
“Giá nguyên vật liệu khó giảm, chúng tôi tìm mua những nguyên vật liệu có chất lượng tương nhưng ít sử dụng để thay thế trong lúc khó khăn này. Chúng tôi đàm phán với khách hàng tăng giá hoặc đề nghị khách hàng chia sẻ cước vận chuyển” - ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Hiện nay, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu cao su, nhựa, chế biến nông sản xuất khẩu khá tốt, mà các ngành khác như dệt may, chế biến gỗ cũng có nhiều đơn hàng. Từ đầu năm đến nay, lượng hàng xuất khẩu của ngành dệt may tăng từ 10-15%. Nhiều khách hàng muốn ký đơn hàng dài hơi đến giữa năm hoặc cuối năm nhưng doanh nghiệp đang chần chừ vì chi phí sản xuất gia tăng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM bày tỏ, chi phí sản xuất tăng nhưng nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, ổn định lao động chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất đến cuối năm và giữ được khách hàng.
“Trong khó khăn, các doanh nghiệp chú ý chăm lo đời sống cho người lao động, vì lao động ổn định, tăng trưởng thì mới giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các đơn hàng. Về thị trường, khách hàng thì doanh nghiệp tập trung cho chất lượng, tiến độ giao hàng, tạo uy tín với khách hàng để họ không dịch chuyển đơn hàng nơi khác”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
Ngành chế biến gỗ của TP.HCM, những tháng đầu năm đơn hàng mới tăng rất nhiều, nhất là thị trường Mỹ và Anh tăng trên 15-20%. Các sản phẩm nội thất trong gia đình và văn phòng được đặt hàng nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành này đang gặp khó khi chi phí logistics còn ở mức rất cao và thiếu 10-30% lao động trong những tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế gỗ TP.HCM thông tin, giải pháp để ngành gỗ phát triển bền vững và không thâm dụng lao động là doanh nghiệp phải đầu tư thêm máy móc, công nghệ để tăng năng suất. Để thực hiện điều này doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ của thành phố về lãi suất.
“Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp là lãi suất dành cho đầu tư cho máy móc, công nghệ. Hiện nay lãi suất cho vay cũng còn cao, điều kiện thế chấp ngân hàng cũng khó. Chúng ta có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tái đầu tư công nghệ, lúc đó có 2 cái lợi, đó là doanh nghiệp bù được lượng lao động thiếu hụt, nâng cao suất, tăng thì thu nhập của người lao động cũng được cải thiện”, ông Nguyễn Chánh Phương vui vẻ nói.
Doanh nghiệp xuất khẩu TP. HCM có nhiều đơn hàng mới, tăng trưởng tốt, đó là tín hiệu tích cực. Hy vọng, với sự nỗ lực của doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng sẽ tạo thêm nguồn lực để doanh nghiệp doanh nghiệp phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2022.
Lê Pháp (T/h)