Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Doanh nhân khoác áo lính: Nặng lòng với… nồi hơi

Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh (Hà Nội), Chế Minh Chương trải lòng: “Là một chiến sỹ bộ đội đặc công, sau 7 năm tham gia “dọn dẹp” chiến trường ác liệt thành cổ Quảng Trị, tôi dời quân ngũ, trở về quê hương. Từ đây, cuộc đời tôi như bước sang một trang mới, đầy truân chuyên, khốn khó”…

Còn đó chất “thép” của một người lính

Trở về quê hương - mảnh đất nghèo Nghi Thu, anh đã nếm mùi bươn trải?

Quê tôi, làng biển Nghi Thu (TX. Cửa Lò, Nghệ An) lam lũ. Trẻ nứt mắt đã theo mẹ ra bờ cát bỏng rẫy giữa trưa hè chang chang, cào ngao cào ngán. Đêm đêm, thấp thoáng những ngọn đèn dầu như những đom đóm đực…

Về quẩn quanh “ao làng”, trong lòng tôi nặng trĩu những âu lo: Nghề của mình là nghề… lính - làm gì kiếm kế sinh nhai? Vốn liếng không có lấy một xu, trong lúc gia đình khó khăn. Bà con đều cảnh lam lũ, đội nắng đội gió quanh năm tứ mùa bên những cánh đồng nhỏ nhoi trồng thuốc lào, trồng ngô, làm muối… mà cuộc sống vẫn hẩm hiu.

Tôi cũng ra sức cày bằng đủ thứ nghề: Cào ngao cào ngán ngoài bãi cát, trồng lạc, làm muối, chăn nuôi…

TGĐ Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh (bìa trái) Chế Minh ChươngTGĐ Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh (bìa trái) Chế Minh Chương

Nguyên nhân gì đã khiến anh “thiên di”…?

Tôi có những đêm dài trăn trở “ở lại quê hay tìm nơi “đất lành chim đậu”; bám trụ quê hương thì chỉ loanh quanh mãi với mấy thứ gọi là nghề như thế thật buồn tẻ, bao giờ cuộc sống mới được mở mày mở mặt?”. Suy đi tính lại mãi, cuối cùng tôi đã quyết định thử một phen ba lô khăn gói bén đất Hà thành.

Vậy là anh đã đem theo “nghề lính” đi… đấm xứ người?

Hiểu nôm na thì là vậy. Thuở đầu khó nhọc, nhưng mà gặp được vận may. Tôi mang “nghề” có sẵn đó đi xin việc và được nhận vào làm nhân viên bảo vệ tại TCT SX&DV vật tư kỹ thuật (TCT lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, chuyên cung cấp các hệ thống vật tư, thiết bị cho ngành CN thực phẩm).

Nhờ chất lính còn hừng hực trong tâm, tôi đã lao động quên mình, làm việc với tinh thần và trách nhiệm rất cao. Thế rồi hơn 1 năm sau, tôi được chuyển về công tác tại Tổng kho Vật tư bắc sông Hồng, làm công nhân bộ phận lắp ráp dây chuyền sản xuất bia…

Nghe bà con cùng sống trong khu cũ kể lại, thời gian này - “anh công nhân Chế Minh Chương trở thành ông chủ chăn nuôi lợn nổi tiếng mát tay”?

Số là thế này, hồi đó, tôi vừa nai lưng làm thợ, lại vừa ra sức chăn nuôi lợn để thêm thắt đồng rau mắm. Bao nhiêu đồng dư dật tích cóp được, thì đều “nướng” vào lợn. Quả thực, mình nuôi lợn mát tay, con nào con nấy lớn nhanh trông thấy, béo trùng trục. Mỗi lần xuất chuồng, cứ là cỡ 5 tấn lợn hơi, bình quân mỗi con nặng 1 tạ - đến mức không ai tin.

TGĐ Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh (bìa trái) Chế Minh ChươngĐến với Trường Sa...

Và giai thoại “một đêm mổ liền lúc 3 chú lợn tạ” cũng rơi vào thời điểm đó?

Đúng thế! Chuyện chăn nuôi lợn của tôi - người nào không chứng kiến thì không biết, còn những ai đã chứng kiến, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, họ bò lăn ra mà cười - cười mãi cho tới bây giờ…!

Quả thật, ngày đó tôi đã gặp xui. Những chú lợn tạ tròn quay đang sống khỏe như vâm, bỗng lăn đùng ra chết! Chúng chết về đêm! Đầu tiên là 1 con chết. Tôi xăm xăm đi làm thịt lợn… Làm xong xuôi đâu đấy, mang phân phát cho bà con lối xóm nào thịt, nào mỡ… Lúc tôi ra thăm chuồng, hoảng hồn 1 chú lợn nữa đi toi! Lại làm thịt tiếp… Rồi con thứ 3 cũng chung số phận! Tôi đã phải thức trắng đêm mà cày, chứ biết làm sao?

Nhưng mà tôi ngốc. Ngốc ơi là ngốc… Giá cứ quăng xừ nó đi thì đỡ vất vả. Đằng này, lại xắn tay vào làm (tiếc quá mà), để rồi cuối cùng, thịt, mỡ nhiều quá, cho không ai… thèm lấy, đành phải cho ra… ao. Ngày đó, bói đâu ra nhiều tủ lạnh mà chưng mà đựng?

Ăn - ngủ - nghỉ - giải trí bằng… nồi hơi!

Kể nghề của anh cũng là cái sự bươn trải. Chẳng hay anh “bén duyên nồi hơi” tự khi nào?

Ngày còn làm thợ ở Tổng kho Vật tư bắc sông Hồng, vì làm ở bộ phận lắp ráp dây chuyền sản xuất bia nên dính đến hệ thống nồi hơi. Hằng ngày, tôi tiếp xúc thường xuyên với nồi hơi, nhưng lại hiểu biết quá ít về nó. Mỗi khi động đến nồi hơi, thì đều vui vẻ chấp nhận công việc “thiên lôi chỉ đâu đánh đó”!

Bứt rứt khó chịu. Khi đó, tôi mới dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi của mình vào việc đi sưu tầm tài liệu, sách vở liên quan đến kỹ thuật nồi hơi. Rồi tôi đóng cửa… nghiên cứu, ngẫm nghĩ về lĩnh vực này.

TGĐ Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh (bìa trái) Chế Minh ChươngBên bến cảng quần đảo Trường Sa

Con đường đưa anh đến với nghề nồi hơi chỉ đơn giản có vậy?

Đâu có dễ dãi như nhà báo tưởng, mà đó là cả một quá trình nhào nặn “đổ mồ hôi sôi nước mắt”!

Được cử đi học tại Trường Công nhân kỹ thuật cơ khí Vạn Điểm, tôi như mở cờ trong bụng: Sẽ là một cơ hội lớn để mình có điều kiện cọ sát nhiều hơn với kỹ thuật nồi hơi.

Khi học ở trường, tôi sắp xếp thời gian để sao cho vừa đảm bảo học tập tốt, vừa tiếp xúc trực tiếp với trang thiết bị, dây chuyền sản xuất nồi hơi, áp dụng vào thực tiễn. Suốt thời gian này, tôi đã miệt mài, lao tâm học cho bằng được cái nghề nồi hơi.

Nguyên cớ gì khiến anh “đắm đuối” với cái nghề bụi khói, lấm lem dầu mỡ?

Một phần là do “cay” - sau những lần mình mù tịt, buộc theo lệnh “chỉ đâu đánh đó” dạo nọ.

Song điều quan trọng hơn đó là sự đam mê, tâm huyết với nghề. Chính xuất phát từ chỗ mình chưa biết gì về nồi hơi, không hiểu tầm ảnh hưởng của nó như thế nào trong việc phục vụ các nhà máy, công trình CN…; đến khi hiểu ra vấn đề, nhất là nắm rõ thông tin “ở nước ta, chưa có nhiều chuyên gia thông hiểu cặn kẽ về kỹ thuật nồi hơi, các nhà máy chuyên về lĩnh vực này mới đếm trên đầu ngón tay” - đã thôi thúc tôi!

Thế nên tôi - trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới… “nồi hơi”. Mở miệng ra là nồi hơi. Trong lúc ăn chẳng màng tới chuyện gì, chỉ bàn chuyện nồi hơi. Ngủ mơ thấy nồi hơi, rồi lúc thảnh thơi giải trí cũng “xoáy” vào nồi hơi!

Từ đây, đoạn đời “nồi hơi” đã thực sự gắn kết với anh cho đến tận bây giờ - đỉnh cao của ước vọng?

Số tôi đâu có “xuôi chèo mát mái” như nhà báo nghĩ. Còn phải trải qua nhiều thử thách.

Cuối năm 1991, tôi lại thuyên chuyển sang làm Phó cửa hàng trưởng Cửa hàng Vật tư kỹ thuật, phụ trách kinh doanh. Không bỏ phí những gì mình đã theo đuổi, thời gian này, ngoài việc tiếp tục tìm tòi nghiên cứu, tôi thường dành thời giờ lui tới các chuyên gia, những bậc đàn anh về kỹ thuật nồi hơi (đếm trên đầu ngón tay), để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức.

Dẫu vậy thì đó cũng mới chỉ là một phần trong lộ trình đến với nồi hơi của tôi…

Cho đến tận bây giờ - “nồi hơi” của tôi vẫn  nóng hôi hổi. Mỗi khi nhắc lại từng đoạn trường xoay quanh lĩnh vực đó - nó như một câu chuyện từ trong cổ tích bước ra đời thường. Lắm lúc, tôi buột miệng nói vui: “Để khi nào rảnh, mình nghiền ngẫm viết thành một cuốn tự sự”.

Trên thương trường: Thực tiễn là “cây đời”…

Chặng đường gian nan, đã đủ tầm đưa anh trở thành người “thuyền trưởng” – hôm nay?

Khi đã nắm bắt tốt thời cơ, xét thấy đủ điều kiện về nhiều mặt năng lực, kiến thức, vốn, nguồn nhân lực…, năm 1999, sau khi tham khảo ý kiến đông đảo, tôi đã quyết định thành lập Công ty Cơ nhiệt điện Đông Anh và đến năm 2003, đổi thành Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh.

Về năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN hiện nay?

Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh (tiền thân là Cửa hàng Kinh doanh vật tư thiết bị thuộc Xí nghiệp Sản xuất và dịch vụ vật tư kỹ thuật - Bộ Lương thực & Thực phẩm - nay là Bộ NN&PTNT) là một trong những công ty hàng đầu về lĩnh vực thiết bị áp lực.

Công ty chuyên thiết kế, chế tạo: Nồi hơi đốt than, nồi hơi đốt dầu, nồi hơi đốt gas, nồi hơi đốt củi, nồi hơi đốt hỗn hợp, nồi hơi điện; dịch vụ sửa chữa và lắp đặt lò hơi các loại; chế tạo các loại hầm sấy gỗ, kho lạnh, kết cấu thép; khảo sát, tư vấn thiết kế, vận chuyển, thi công lắp đặt nồi hơi, lò hơi, bình chứa khí nén, bình phân phối hơi và thiết bị áp lực; cung cấp phụ kiện, vật tư phục vụ ngành nước, ngành hơi, ngành xăng dầu…

TGĐ Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh (bìa trái) Chế Minh ChươngTrong phân xưởng 

Anh có thể cho biết một số kết quả nổi bật, đơn vị đã đạt được trong thời gian qua?

Công ty đã thực hiện hàng nghìn công trình có giá trị. Trong đó, có những dự án có giá trị trên 5 tỷ đồng/công trình, hàng nghìn dự án giá trị từ 100 triệu đến xấp xỉ 1 tỷ đồng/công trình...

Chúng tôi đã cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm nồi hơi, bình chứa không khí nén cùng với hàng trăm tấn sản phẩm các loại phục vụ các ngành nước, hơi, xăng dầu…

Được biết, Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh còn có công ty con, đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh?

Để đáp ứng kịp với nhịp độ phát triển không ngừng của công ty, tháng 8/2005, HĐQT công ty đã họp cổ đông và ra quyết định thành lập  Nhà máy Chế tạo áp lực và đến tháng 12/2007, chuyển thành Công ty CP Áp lực nồi hơi Đông Anh (trụ sở tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh)…

Tới đây, công ty hướng vào những mục tiêu trọng tâm nào?

Công ty CP Thiết bị áp lực Đông Anh đang trên đà phát triển mạnh, cả về quy mô năng lực sản xuất, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Năm 2008, chúng tôi thực hiện đưa 2 nhà máy chế tạo thiết bị (thuộc Công ty CP Áp lực nồi hơi Đông Anh) đi vào hoạt động. Ưu điểm của 2 nhà máy này là được đầu tư trang thiết bị theo công nghệ tiên tiến, hiện đại (tự động hóa đến 70%) theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó, cho phép khẳng định: Hệ thống quản lý chất lượng của toàn công ty (tổng) đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001-2000, theo đó sẽ đảm bảo không có sản phẩm bị mắc lỗi tại công đoạn kiểm tra cuối cùng.

Công ty tiếp tục phát huy theo định hướng chiến lược đúng đắn của mình: Đề cao chất lượng đối với khách hàng, đồng thời có những chính sách cải tiến mạnh về kinh doanh nhằm tiếp cận sâu hơn, rộng hơn trên thị trường.

Phương châm xuyên suốt quá trình hoạt động, cũng như chiến lược phát triển của công ty?

Đối với công ty, phương châm xuyên suốt chính là: “Chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu” và “Lợi ích của khách hàng cũng là lợi ích của chính mình”.

Trải qua quá trình hoạt động và phát triển, do không ngừng đổi mới về công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã… nên công ty đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường, giữ được chữ “Tín” đối với người tiêu dùng.

Có những “ngón nghề” bây giờ mới kể…

Cuối cùng thì anh cũng đã thành công: Trở thành một trong số ít chuyên gia về lĩnh vực nồi hơi. Là người trong cuộc, anh suy nghĩ ra sao về nghề này?

Chế tạo thiết bị áp lực đã là một ngành rất khó, rất chuyên biệt. Lĩnh vực nồi hơi lại càng khó hơn. Ở nước ta, hầu như chưa ai chế tạo ra mà phần lớn là sao chép của nước ngoài. Học giỏi, đúng nghề, chưa chắc đã làm được.

Nói như thế để thấy rõ một người có 2 tấm bằng đại học… trái khoáy nghề như tôi thì càng không thể làm nghề nồi hơi!

Bởi vậy, muốn theo nghề nồi hơi, theo tôi, cần hội tụ đủ các yếu tố: Theo học đúng trường lớp; trải qua thực nghiệm và - yếu tố cuối cùng vô cùng quan trọng đó là thực sự say mê, tâm huyết với nghề (xin nói thêm là nghề nồi hơi phải cần có con người trung thực, kiên nhẫn nếu không chỉ cần một sơ xuất nhỏ là đi toi).

Để trở thành “nhà nồi hơi” - anh đã hội đủ các yếu tố trên?

Tuy duy nhất có tấm bằng trung cấp chuyên nồi hơi, nhưng bù vào, tôi rất say mê nghề này.

Một điều vô cùng quan trọng nữa đó là tôi đã trải qua những cuộc trải nghiệm đầy gian nan, thử thách cả ở trong nước và nước ngoài.

Xin anh cho biết cụ thể hơn về góc độ này?

Ngay từ năm 1993, tôi đã cho “nổ” một cuộc đại tu nồi hơi và đây cũng được xem là một kỷ niệm nhớ đời.

Hồi đó, có một sản phẩm nồi hơi của Trung Quốc, do sơ xuất người ta làm hỏng. Biết tin, tôi liền đi… mua về! Người ta bảo tôi dại vì đã bỏ tiền ra mua. Có người còn bảo tôi điên vì “không có giấy phép dám liều”! Sau những pha nghiền ngẫm, suy tính, cuối cùng thì tôi ra tay cắt bỏ hoàn toàn phần hỏng, đem vá lại rồi mày mò chỉnh sửa để cho ra được sản phẩm ngon lành.

Nhiều người kéo đến xem tôi thao tác, phần vì tò mò, phần vì muốn được tận mắt nhìn thấy một người… điên sửa máy!

Cái nồi hơi được anh đại tu ngày đó, giờ ra sao rồi?

Phải nói là nó rất… kiên cường! Hiện nay, cái nồi hơi đó vẫn hoạt động tốt!

Như trên anh đã nói, nghề nồi hơi là nghề rất khó. Vậy mỗi khi máy móc gặp trục trặc, hỏng hóc nặng ngoài tầm hiểu biết và kiểm soát của mình, anh thường “cầu cứu” ở đâu?

Phần trả lời cho câu hỏi này – lẽ ra là một bí quyết không thể phô trương. Tuy nhiên, tôi cũng xin “bật mí”…

Trước đây, tôi đã có những chuyến công tác - vừa là học tập kinh nghiệm, vừa tìm kiếm đối tác bên Trung Quốc, Đài Loan – nổi tiếng về kỹ thuật nồi hơi.

Còn nhớ, một lần sang Trung Quốc, người ta dẫn tôi đi thăm quan một địa phương chuyên về nồi hơi. Cái hay ở đây mà tôi tận mắt chứng kiến đó là “nhà nhà làm nồi hơi, người người làm nồi hơi”. Bởi vậy, một sản phẩm dù khó đến mấy thì cũng chỉ trong vòng 1 tuần là hoàn thành. Sở dĩ có điều đó là bởi, mỗi người phụ trách một công đoạn, rất bài bản, khoa học.

Còn ở ta, để hoàn thành một sản phẩm tương tự, có khi phải mất vài tháng.

Cho nên, khi máy móc bị hỏng hóc, đã bó tay thì hoặc là chúng tôi mang sản phẩm sang Trung Quốc sửa chữa, hoặc là tôi trực tiếp sang nghiên cứu rồi về áp dụng.

Điều gì khiến anh băn khoăn nhất hiện nay?

Chính là vấn đề nhân lực! Tôi tâm niệm, muốn thu hút nhân tài thì không nên cứng nhắc, mà phải khéo léo biết vận dụng theo cơ chế thị trường. Chính vì lẽ đó mà công ty có cơ chế tăng lương liên tục cho CBCNV, có người được tăng tới 4 lần/năm.

Tuy nhiên, để tìm được một người thợ phù hợp với công việc, có lòng đam mê, gắn bó với nghề là điều không dễ. Tìm người tài - sao cho họ gắn bó lâu dài thì lại càng khó hơn.

Và những dòng tâm tư đọng lại…?

Mỗi lần về thăm quê là mỗi lần tôi không khỏi xúc động. Tôi như sống lại tuổi thơ trên mảnh đất quê hương nghèo khó. Làng biển Nghi Thu (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) quê tôi một thuở hắt hiu nắng thét gió gào, cồn cát chang chang.

Đêm đêm, vọng tiếng hát ru bằng những vần thơ trong Truyện Kiều của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) của các bà, các mợ - đã có sức lay động lạ kỳ… Nặng lòng với quê hương nên hằng năm tôi đều gửi quà tham gia đóng góp từ thiện.

Có những bạn bè, con em Nghi Thu muốn xin vào làm, trước khi nhận họ thì tôi đều không quên ra “sắc lệnh”: Phải nhất nhất đam mê với nghề nồi hơi, nếu không thì đừng có vào!”…

Đồng nghiệp nói anh là người dai sức - làm việc… quên mình?

Tôi là người làm nhiều hơn nói. Sản phẩm được thể hiện qua những công trình và người sử dụng. Bởi vậy, mỗi ngày tôi làm việc không dưới 14 tiếng. Ăn - nghỉ tại cơ quan vì phải chạy 2 nơi. Chân tay lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ…
Như thế thì còn thời giờ đâu để nghĩ tới gia đình?

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” mà! Cũng bởi cái số… may mà vợ chồng tôi “cùng chung một chiến hào”...

Vợ chồng gần nhau luôn luôn, nhất lại cùng thâu tóm một DN lớn, điều này liệu có bất lợi?

Có một thứ cốt lõi là “bà Phó tổng giám đốc (vợ) là người yêu đắm say… nghề cơ khí, đọc được tất cả các bản vẽ”. Những lúc tôi đi công tác, thì bà Phó tổng giám đốc thay tôi điều hành mọi công việc công ty.

Những cuộc tranh luận gay gắt về công việc vì thế cũng hay “nổ” giữa tôi và vợ.

Có lắm khi, vợ phàn nàn “anh quá mải mê với công việc cơ quan mà liên tục “bỏ bom” vợ con những cuộc dạo chơi mê nhất là… trượt cầu thang máy tại Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền”!...

Trân trọng cảm ơn Tổng giám đốc!

Xuân Phong (Thực hiện)

Bài liên quan

Tin mới

U23 Việt Nam và U23 Malaysia hôm nay: Chiến binh Sao Vàng cần làm gì để chiến thắng?
U23 Việt Nam và U23 Malaysia hôm nay: Chiến binh Sao Vàng cần làm gì để chiến thắng?

U23 Việt Nam sẽ gặp U23 Malaysia tối nay, 20/4. Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn phải điều chỉnh một vài vấn đề cho U23 Việt Nam để có thể thắng U23 Malaysia ở lượt trận thứ hai, lấy vé tứ kết U23 Châu Á.

Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch
Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch

Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 quyết tâm đào hào chia cắt sân bay địch xong trước kế hoạch; đồng thời tiến hành đẩy mạnh các hoạt động nhỏ, tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch.

Ưu tiên nguồn lực giám sát các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Ưu tiên nguồn lực giám sát các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long ký văn bản đôn đốc, đảm bảo an toàn thông tin mạng dịp lễ 30/4 - 1/5 và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ gửi tới các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, nền tảng số cùng những tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại trên toàn quốc.

Giá vé máy bay nội địa dịp lễ 30/4 - 1/5 cao ngất ngưởng, nhiều hãng tăng thời gian hoạt động
Giá vé máy bay nội địa dịp lễ 30/4 - 1/5 cao ngất ngưởng, nhiều hãng tăng thời gian hoạt động

Nhằm đối phó với tình trạng thiếu máy bay trong khi nhu cầu đi lại trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và mùa hè này tăng mạnh, các hãng hàng không đã xoay xở bằng cách tăng thời gian hoạt động của máy bay, rút ngắn thời gian quay đầu... Tuy nhiên, giá vé bay vẫn cao.

Khi nào được sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài?
Khi nào được sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài?

Việc sử dụng căn cước công dân thay hộ chiếu đi du lịch nước ngoài chỉ được thực hiện khi Việt Nam và nước ngoài ký kết thỏa thuận quốc tế cho phép người dân.

Thời tiết ngày 20/4: Nền nhiệt cả nước tăng
Thời tiết ngày 20/4: Nền nhiệt cả nước tăng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày 20/4 Bắc Bộ đêm mưa dông, ngày nắng nóng. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng gay gắt.