Trong 9 tháng đầu năm, Vinaconex đạt lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 447,7 tỷ đồng và 367,8 tỷ đồng, giảm tương ứng 33% và 41% so cùng kỳ 2017. Mức lợi nhuận này được cho là tương đối khiêm tốn so với doanh nghiệp có tổng tài sản lên tới hơn 20.169 tỷ đồng, cùng hàng loạt dự án ở vị trí đắc địa.
(Ảnh minh họa)
Doanh thu 9 tháng của Vinaconex là 6.380 tỷ đồng, giảm 4%, lợi nhuận gộp là 768,6 tỷ đồng, giảm 20%. Hoạt động tài chính trong thời gian trên mang lại doanh thu 224,3 tỷ đồng, giảm 20%.
Tính riêng quý 3, doanh thu thuần công ty đạt 2.222 tỷ đồng, giảm 8,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 185,4 tỷ đồng, giảm 29%.
Nguyên nhân doanh thu trong quý giảm do doanh thu tài chính và hoạt động liên doanh, liên kết giảm mạnh. Ngoài ra, theo lý giải của Vinaconex, còn do Tổng công ty đã hoàn thành tái cơ cấu thêm một số đơn vị thành viên nên không có sự đóng góp lợi nhuận từ các đơn vị này.
Tuy nhiên, bức tranh tài chính trong kỳ của Vinaconex có nhiều điểm tích cực, đó là các chi phí phát sinh như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm đáng kể.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản Vinaconex đạt 20.170 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng tồn kho chiếm 3.385 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng gần 4.000 tỷ, giảm khoảng 250 tỷ đồng so với đầu năm.
Vinaconex hiện gánh khoản nợ hơn 12.452 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 9.258 tỷ đồng, nợ dài hạn là 3.194 tỷ đồng. Nợ vay hơn 4.000 tỷ đồng, tương đương 25% cơ cấu nguồn vốn.
Vào ngày 22/11 tới đây, SCIC và Viettel sẽ triển khai bán đấu giá cả lô cổ phần tại Vinaconex với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu.
Hằng Vương (t/h)