Dịch bệnh COVID-19 đang phơi bày nhiều vấn đề của nền kinh tế thế giới khi quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Hàng loạt nhà kinh doanh Việt Nam (VN) cũng bị giáng đòn đau khi “bỏ hết trứng vào một giỏ Trung Quốc”.

Ông Đinh Việt Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH và Dịch vụ du lịch Sài Gòn Hoàn Cầu, cho hay công ty chuyên đón khách du lịch nước ngoài đến VN (Inbound), trong đó khách Trung Quốc chiếm đến 80%-90%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch nên công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, một tháng công ty đón khoảng 3.700 khách Trung Quốc. Từ khi dịch xảy ra đến nay, tất cả tour của thị trường này đều đã bị hủy hết. Chính vì vậy, công ty không có nguồn thu nào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Trước đây, doanh thu từ thị trường Trung Quốc đạt hơn 10 tỉ đồng mỗi tháng, nay thì đã năm tháng trôi qua không có đồng nào, thiệt hại vô cùng lớn. Bởi thế, tôi rất đồng tình với quan điểm không bỏ hết trứng vào trong một giỏ mà phải đa dạng thị trường. Càng nhiều thị trường càng tốt, không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường khách du lịch nào” - ông Thanh đúc kết.

Để cụ thể hóa chủ trương trên, hiện nay công ty của ông Thanh đang mở rộng thị trường nội địa trên cơ sở xây dựng các sản phẩm mới mang tính trải nghiệm cho khách hàng. “Chúng tôi đa dạng điểm đến ở các vùng miền, tận dụng nguồn tài nguyên du lịch phong phú của Việt Nam nhằm tạo ra sản phẩm mới để phục vụ khách du lịch” - ông Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu và tư vấn giải pháp du lịch Outbox Consulting, phân tích: Nhiều quốc gia đều xem Trung Quốc là thị trường mục tiêu quan trọng để thu hút và phục vụ. Do đó, không có lý do gì khi VN với lợi thế vị trí địa lý nằm sát cạnh “giỏ hàng” lớn nhất của ngành du lịch thế giới lại từ chối, thậm chí bài trừ thị trường khách này.

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho hay trong khoảng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là thị trường khách du lịch quốc tế đứng đầu ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do Trung Quốc là quốc gia liền kề với Việt Nam và nhu cầu về sản phẩm du lịch của khách nước này phù hợp với khả năng cung cấp của nước ta.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm ngoái ngành dệt may và da giày, túi xách của Việt Nam nhập khẩu đến gần 60% nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc. Trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, nhất là sản xuất ô tô tải và xe buýt trong nước hiện nay có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc.

Rõ ràng, việc quá tập trung vào một thị trường khó tránh khỏi rủi ro như trong đợt dịch COVID-19 đang xảy ra. Ông Đào Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty CP Dệt lụa Nam Định (Nasilkmex), cho biết tại các đơn vị may gia công, nguồn nguyên liệu đầu vào nhập từ thị trường Trung Quốc chiếm đến 80%.

Trao đổi với báo chí về vấn đề đa dạng hóa thị trường, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng các doanh nghiệp cần tìm kiếm các đối tác khác để dự phòng, thay thế dần dần để tránh bị gián đoạn khi một thị trường gặp khó khăn. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều có thể chuyển một chuỗi cung ứng. Đơn cử như thời gian để tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào của các ngành có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao như điện tử hay ô tô thường mất từ ba tháng đến một năm.

“Không chỉ Việt Nam mà một số quốc gia khác, kể cả các nước phát triển ở châu Âu cũng phải tìm kiếm thêm các nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào mới để tránh tình trạng bị động” - vị đại diện Cục Công nghiệp nói.

 PV