Tăng cường phối hợp, quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu

 Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị, ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng (quản lý thị trường, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hải quan, thuế, cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; an ninh kinh tế và chính quyền địa phương các cấp) theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (địa điểm lưu kho, bồn chứa xăng dầu, giai đoạn phân phối lưu thông, các địa điểm tồn trữ các chất dung môi dễ bị lợi dụng pha trộn với xăng dầu).

Các đơn vị triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện kịp thời đấu tranh quyết liệt với đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, tập trung đấu tranh với các đối tượng chuyên điều hành hoạt động pha trộn xăng dầu giả, kém chất lượng tại các địa bàn nội địa trọng điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đề nghị tăng cường công tác phối hợp giữa các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường..., thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ các thương nhân nhập khẩu, đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện trong nhập khẩu, sản xuất, phân phối lưu thông, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như gian lận về đo lường, không bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song buôn lậu xăng dầu trên tuyến biển của Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng xăng dầu trên biển có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm.

Lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu tại các nước trong khu vực và thế giới, một số đối tượng, ngư dân hành nghề đánh cá trên biển đã biến các tàu, hầm chứa cá, nước đá… thành các khoang chứa xăng dầu với số lượng lớn nhằm trục lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Theo đó, từ cuối năm 2020, tình hình buôn lậu xăng dầu  có chiều hướng tăng so với cùng kỳ. Tình trạng các chủ phương tiện đánh bắt hải sản trên biển biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu để trục lợi diễn ra phổ biến ở tuyến biển này. Đây được xem là một trong những thủ đoạn mới đang gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý của các lực lượng chức năng.

Ngày 6/2/2021, 500 cảnh sát hình sự, cơ động, kinh tế bao vây ụ nổi giữa sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long, bắt quả tang hàng chục người pha xăng giả, thu giữ thu giữ 2 tàu biển 2.500 tấn, 5 sà lan 400-1.000 tấn, 6 xe bồn trong bờ, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hoá chất; hơn 100 tỷ đồng, 50 sổ đỏ đất đai, 12 thùng hồ sơ liên quan...

Ngày 9/2, Công an Đồng Nai khởi tố 26 người về hành vi Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả và Mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Nguyễn Hữu Tứ (56 tuổi, quê Vĩnh Long) được xác định vai trò cầm đầu.

Động thái này được đưa ra sau thời gian dài Công an Đồng Nai phát hiện đường dây làm giả xăng dầu, phối hợp Bộ Công an và các tỉnh thành lập chuyên án 920G.

Một trong những trạm xăng giả trong chuyên án 920G
Doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 1 tháng

Đến sáng 11/2, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với 35 đối tượng, trong đó 3 đối tượng được xác định là cầm đầu đường dây gồm: Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Hữu Tứ (55 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) và Trần Ngọc Thanh (46 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp).

Các đối tượng này phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhiều người, từ pha chế, bơm hút đến hợp thức hóa chứng từ để vận chuyển đến nhiều cây xăng trong khu vực tiêu thụ trong nhiều năm. Hiện, chuyên án đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đã sử dụng ụ nổi đưa ra giữa lòng sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để neo đậu các tàu, sà lan bơm hút xăng, đồng thời tổ chức lực lượng, sử dụng các tàu cao tốc để tuần tra xung quanh khu vực.

Ông chủ trạm xăng này không chỉ là mắt xích trong đường dây buôn bán xăng giả mà còn là trùm buôn bán bất động sản ở Đồng Nai
Ông chủ trạm xăng này không chỉ là mắt xích trong đường dây buôn bán xăng giả, mà còn là trùm buôn bán bất động sản ở Đồng Nai (Ảnh: HĐ)

Ở trên bờ, chúng ngụy trang bằng các nhà nuôi chim yến để cảnh giới, do vậy rất khó phát hiện. Mặt khác, các đối tượng có sự đề phòng, cảnh giác rất cao, thường xuyên tổ chức thẩm tra, xác minh khi có người lạ đến địa bàn và thuê lưu manh chuyên nghiệp sẵn sàng triệt hạ lực lượng trinh sát khi bị theo dõi.

Hằng ngày, các đối tượng cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường. Từ tháng 8/2020 đến thời điểm bị bắt giữ, nhóm đối tượng đã cung cấp ra thị trường 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.

Công an phong toả, bắt khẩn cấp thêm đối tượng vụ 200 triệu lít xăng giả

Cùng nằm trong Chuyên án 920G, chỉ trong 2 ngày 18 và 19/5/2021,  lực lượng công an Đồng Nai đã tiến hành phong toả, khám xét. Ngoài khám xét, lực lượng công an đã lấy mẫu xăng để kiểm nghiệm chất lượng.

Ngày 18/5, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Công an TP.Biên Hòa tiến hành phong tỏa, khám xét Trạm xăng dầu Trảng Dài (đường Bùi Trọng Nghĩa, khu phố 3, phường Trảng Dài), thuộc Công ty TNHH Việt Khánh Anh.

Lực lượng chức năng khám xét nhà riêng của bà Mỹ trên đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa)
Lực lượng chức năng khám xét nhà riêng của bà Mỹ trên đường Đồng Khởi, TP. Biên Hòa (Ảnh: A LỘC)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt khẩn cấp bà Nguyễn Thị Như Mỹ, 53 tuổi, chủ Công ty TNHH Việt Khánh Anh (khu phố 3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) để điều tra về hành vi buôn lậu, đồng thời khám xét nhà riêng của bà Mỹ.

Ngảy 19/5, Công an Đồng Nai triển khai lực lượng, khám xét khẩn cấp cây xăng 233 (Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) và nơi ở của đối tượng Bùi Ngọc Toàn trong đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả tại Đồng Nai, thu giữ nhiều vật chứng liên quan đến hành vi buôn lậu.

Các nghi phạm mua bán, tiêu thụ xăng giả lập nhiều công ty vận chuyển, công ty mua bán xăng dầu, xây dựng các kho chứa dọc các tuyến đường sông, mua các sà lan, phương tiện vận chuyển tải trọng lớn, dung môi, hóa chất để pha chế xăng giả, kém chất lượng.

Hành vi của các đối tượng đã xâm hại đến thị trường xăng dầu trong nước, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và người tiêu dùng, đặc biệt là gây nguy cơ cháy nổ rất cao, nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện khi sử dụng loại xăng giả, xăng kém chất lượng trên.

Với chiêu thức nhập xăng từ nước ngoài và đậu ở gần lãnh hải Việt Nam rồi cho bơm xăng sang tàu Việt Nam. Sau đó sử dụng dung môi, hóa chất từ xăng phẩm cấp thấp, dùng hóa chất pha chế thành xăng A95 đưa về các kho ở các tuyến sông nhiều tỉnh, thành. Số xăng này được cấp cho xe bồn chở về các cây xăng tiêu thụ trên thị trường.

Vậy, có chăng để xảy ra những con số khiến người tiêu dùng phải bàng hoàng này có phần trách nhiệm về sự quản lý lỏng lẻo của lực lượng quản lý thị trường, Sở Khoa học và công nghệ trong đó?

Theo luật sư Nguyễn Văn Lập Đoàn Luật sư TP.HCM, rất khó để người bị đổ nhầm xăng giả có thể kiện đòi bồi thường các cơ sở kinh doanh xăng, dầu giả vì gần như không thể chứng minh thiệt hại. Xăng đổ vào xe sẽ nhanh chóng được dùng hết, dù có biên bản sửa chữa xe, nhưng ngay thời điểm xe bị trục trặc khi vừa đổ xăng xong không có cơ quan chức năng nào đến lập biên bản, lấy mẫu xăng, giám định mức độ hư hỏng của xe... nên sẽ khó có thể đòi các đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán xăng giả bồi thường.

Trong thực tế, nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân đầu mối xăng dầu được phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu hằng năm phải đáp ứng các điều kiện về sở hữu/thuê hạ tầng (cầu cảng, bồn chứa, kho, xe chở, cửa hàng và các đại lý...).

Tuy vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện nhưng không bị xử lý đến nơi đến chốn. Chẳng hạn, theo báo cáo của Bộ Công thương về điều chỉnh hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu năm 2020, dự kiến tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường là 22,8 triệu m3/tấn. Tuy nhiên, trong danh sách 37 doanh nghiệp đầu mối, chỉ riêng 4 doanh nghiệp được phân giao tổng nguồn gần 15 triệu m3/tấn, 17 doanh nghiệp được phân giao hơn 7 triệu m3/tấn và có tới 15 doanh nghiệp có tổng lượng phân giao chỉ khoảng 500.000 m3/tấn.

Trong đó, một doanh nghiệp được phân giao tổng nguồn nhưng không thực hiện. Ngoài ra, tình trạng hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp, việc thẩm lậu bằng nhiều hình thức nên dù có nhiều lực lượng chức năng tham gia quản lý như công an, biên phòng, đội chống buôn lậu, hải quan, quản lý thị trường... cũng rất khó để kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn chưa có chế tài bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Hải Đăng

Tăng cường phối hợp, quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu