Từ tháng 2-5/2020, khối ngoại bán ròng khoảng 715 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây được xem là giai đoạn rút vốn dài kỉ lục của khối ngoại trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết thúc tháng 5, trước làn sóng hồi phục của thị trường, nhiều dự báo khối ngoại sẽ quay trở lại vào tháng 6 vì đã “lỡ tàu” cơ hội trong hai tháng trước đó.
Nhưng bước vào tháng 6, thị trường điều chỉnh. Từ đỉnh ngắn hạn 900 điểm vào ngày 10/6, VN-Index đã lùi về mức 825,11 điểm vào cuối tháng, cùng với đó dòng tiền trên thị trường cũng giảm mạnh.
Dòng tiền khối ngoại đổ vào thị trường chứng khoán tháng 6 chưa ở mức kỳ vọng
Trong bối cảnh này, dòng vốn ngoại cũng chưa cho thấy sự khởi sắc rõ nét. Theo thống kê trên sàn HoSE, trong tháng 6 khối ngoại mua ròng hơn 14.900 tỉ đồng. Tuy nhiên nếu loại trừ cú trao tay thỏa thuận mã cổ phiếu VHM trị giá hơn 15.000 tỉ đồng, thành ra trong tháng này khối ngoại lại bán ròng nhẹ.
Từ giữa tháng 6, khi dòng vốn nội từ các nhà đầu tư mới F0 trong nước bắt đầu rút bớt dần trên thị trường, trong khi dòng vốn từ khối ngoại cũng không gia tăng gì hơn, khiến thị trường rơi vào những ngày “ảm đạm” về thành khoản. Nhiều phiên cuối tháng 6 tổng giá trị giao dịch trên HoSE dưới 5.000 tỉ đồng, còn trong 2 phiên về cuối tuần qua (ngày 2 và 3/7) thanh khoản trên sàn HoSE dưới 4.000 tỉ đồng.
Trong 3 phiên từ ngày 1-3/7, khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 95 tỉ đồng trên sàn HoSE, tuy nhiên về khối lượng thì lại bán ròng hơn 740 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, thống kê tuần giao dịch vừa từ ngày 29.6-3/7, khối ngoại lại trở lại bán ròng hơn 100 tỉ đồng trên toàn thị trường. Đây là tín hiệu theo đánh giá của Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) là thiếu tích cực.
Cũng trong tuần giao dịch vừa qua, các quĩ đầu tư trong đó có những quĩ lớn của nước ngoài chủ yếu bán ròng. Nằm trong nhóm dẫn đầu bán ra là nhóm quĩ đầu tư Valuesystem của Hàn Quốc, Dragon Capital, America LLC, AFC Vietnam Fund…
Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 6 đầu năm 2020, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 254 nhà đầu tư nước ngoài gồm 27 tổ chức và 227 cá nhân. Đây là tháng cấp mã số giao dịch nhiều nhất cho các nhà đầu tư ngoại trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, việc này cũng chưa thể tạo ra lực thúc đẩy giao dịch mua vào mạnh mẽ của dòng vốn ngoại trên thị trường. Một trong những nguyên nhân là trong tháng 6 các quĩ đầu tư tái cơ cấu danh mục và chốt giá trị tài sản ròng (NAV) bán niên 2020 cho nên lực bán ra mạnh hơn.
Nhưng một nguyên nhân lớn khác là khi thị trường điều chỉnh và xu hướng hồi phục chưa rõ nét, dòng tiền trên thị trường theo đó ngập ngừng, khối ngoại cũng có những lưỡng lự nhất định.
Trúc Mai