Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Đại Nguyên, công tác tại trường Đại học Tây Nguyên, Tây Nguyên là một kho tàng nấm rất phong phú, với nhiều chủng loại quý. Trong đó có 70 loại thuộc họ linh chi, 30 loại nấm ký sinh côn trùng có quả thể, mà người dân quen gọi là đông trùng hạ thảo.
Cả 70 loại thuộc họ linh chi được Đại học Tây Nguyên nghiên cứu, đã được kết luận là không có độc. Nhưng với các loài nấm ký sinh côn trùng, đến nay vẫn chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể. Phó giáo sư Nguyễn Phương Đại Nguyên rất lo ngại khi các loại nấm này được bán và sử dụng rộng rãi.
"Là một người nghiên cứu về nấm, tôi khuyên rằng để có thể sử dụng các loại nấm này thì cần có kết quả nghiên cứu chính xác. Còn mà sử dụng theo kinh nghiệp dân gian truyền miệng thì đã có rất nhiều trường hợp ngộ độc. Có trường hợp dẫn đến tử vong, có trường hợp suy thận. Như cá nhân tôi chứng kiến thì cũng đã có vài trường hợp rồi. Tuy nhiên, để kiểm tra giá trị về dược liệu của các loài này, thì theo kiến thức của tôi, đến thời điểm này chưa có nhà khoa học nào công bố, trừ 02 loài Sinesis và Militaris (đang nuôi cấy phổ biến trên thị trường-PV). Cho nên, việc nó có giá trị dược liệu, tốt cho sức khỏe của con người hay không thì chúng ta cần hết sức thận trọng", Phó giáo sư Nguyễn Phương Đại Nguyên bày tỏ.
Là vùng đất có đa dạng các kiểu rừng và các vùng tiểu khí hậu, Tây Nguyên có kho tàng dược liệu phong phú, những năm gần đây liên tục phát hiện các chủng loại mới.
Riêng về nấm, ngoài các loại linh chi được khai thác, mua bán sử dụng từ hơn 10 năm nay, mới đây người dân đã thương mại hóa “sâm ô linh”- một loại nấm đen mọc trong lòng đất của các tổ mối, tổ kiến, và các loại “đông trùng hạ thảo”, ký sinh trên ấu trùng ve sầu, bọ xít, bổ củi và xén tóc, khi chưa chắc chắn về dược tính và độc tính của sản phẩm, làm tăng nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng.
Cùng với tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo thận trọng, Tây Nguyên đang cần những kết quả nghiên cứu cụ thể, để phát huy giá trị kho tàng dược liệu tiềm tàng trong các cánh rừng và ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ với sức khỏe người dân.
Mong muốn của PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên là có thể nhân rộng mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo tại Đắk Lắk nhằm tăng sản lượng sản phẩm đông trùng hạ thảo thật, chất lượng, giảm giá thành đầu ra để mọi người dân dễ tiếp cận sản phẩm.
Ông khẳng định sẵn sàng mở rộng đào tạo, tư vấn và phát triển quy trình nuôi trồng đến người có nhu cầu, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, bình ổn giá sản phẩm đông trùng hạ thảo trên thị trường Việt Nam.
C.H (t/h)