(THCL) _ Dự án mở rộng sản xuất (giai đoạn 2) Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được khởi công năm 2007, dự kiến nghiệm thu, chạy thử vào năm 2011. Tuy nhiên, đến nay, đại công trường này vẫn chỉ là một bãi chiến trường…

Nhà thầu yếu năng lực

Dự án do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 342/TTg-CN ngày 01/4/2005. Theo đó, ngày 05/10/2005, HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam có Quyết định số 684/QĐ-ĐT phê duyệt Hồ sơ báo cáo đầu tư dự án.

Với tổng mức đầu tư là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng (trong đó vốn tự có 375 tỷ, chiếm 10%; vốn vay từ nguồn tín dụng ưu đãi nhà nước 1.605 tỷ, chiếm 42%; vốn vay thương mại 1.863 tỷ, chiếm 48%). Dự án được khởi công ngày 29/9/2007.

Theo chủ đầu tư, tính đến thời điểm này, khối lượng thi công đã hoàn thành, như: Phần cung cấp thiết bị (P) phía tổng thầu (MCC) thuộc Tập đoàn Luyện kim lớn của Trung Quốc đã cấp đến công trường tổng số 35,8 nghìn tấn thiết bị; số còn lại là 526 tấn thiết bị (bao gồm điện và vật liệu chịu lửa cho nhà máy luyện thép). Theo cam kết, kết thúc ngày 30/6/2014, phía tổng thầu MCC sẽ cung cấp hết phần thiết bị còn lại chuyển đến công trường bàn giao cho chủ đầu tư là Tisco quản lý.

Đối với phần xây lắp (C), trên toàn công trường đã thi công được 140/163 tiểu hạng mục, trong đó, phần bê tông toàn công trường đạt 77%; kết cấu thép của toàn dự án đạt 18.285 tấn và khối lượng kết cấu thép đã chuyển đến công trường đạt 60,3%. Tuy nhiên, đã gần hết năm 2014, dự án vẫn chỉ là bãi ngổn ngang sắt thép, vật liệu xây dựng, cỏ mọc um tùm… Trong số nhiều nguyên nhân đưa ra, có việc chủ đầu tư, nhà thầu yếu năng lực, thiếu vốn, giá thị trường liên tục thay đổi…

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo - cho phép tách riêng phần C (xây dựng và lắp đặt của hợp đồng EPC số 01). Theo đó, Tổng công ty Xây dựng CN Việt Nam (VINAINCON) đã được giao thực hiện phần này. Vì việc lựa chọn này nên đến ngày 30/9/2012 (sau gần 2 năm khởi công), dự án mới tái khởi động và chính thức thi công. Thế nhưng, tiến độ thực hiện cũng không khá hơn là bao. Cực chẳng đã, chủ đầu tư (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đã phải mời thêm các nhà thầu khác vào thi công (chủ yếu là Công ty CP LILAMA) thay thế nhà thầu VINAINCON cùng 9 nhà thầu khác.

Song, nhà thầu đầy tiềm năng và kỳ vọng, trong đó có LILAMA 10 đã 1 lần nữa đem lại sự thất vọng. Liên tục hối thúc, cuối cùng, sau hơn 1 năm thi công, chủ đầu tư đã phải thu hồi lại 2/3 hạng mục do LILAMA 10 đảm nhận? Đến tháng 7/2014, phần xây lắp (C) cũng mới thi công được thêm 3 tiểu hạng mục, đưa tổng số tiểu hạng mục đã thi công từ 137 lên 140/163 tiểu hạng mục.

Vốn đầu tư “đội” lên gấp đôi

Không những chậm trễ về tiến độ, dự án còn “nổi tiếng” về việc đội giá. Theo Báo cáo số 760/BC-GTTN ngày 08/7/2014 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, tổng số tiền đã giải ngân cho dự án đến ngày 30/6/2014 là 4.554,7 tỷ đồng (trong đó, vốn tín dụng nhà nước đã ký là 1.404,1 tỷ đồng, vốn vay thương mại từ Viettinbank là 1.733,8 tỷ đồng và vốn đối ứng của chủ đầu tư là 1.416,7 tỷ đồng).

Trước đó, chưa đầy 2 năm sau lễ động thổ được tổ chức khá quy mô, ngày 16/11/2009, HĐQT Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã ra Quyết định số 66/QĐ-HĐQT phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và kế hoạch đấu thầu chính của dự án.

Căn cứ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 900/BXD-KTXD ngày 01/6/2012, ngày 17/8/2012, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã có Công văn số 759/GTTN-KTTC đề nghị xin ý kiến chấp thuận phê duyệt điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8,1 nghìn tỷ đồng. Từ hơn 3,8 nghìn tỷ đồng theo tổng mức đầu tư được phê duyệt, đến thời điểm 30/6/2012 (sau gần 3 năm), số tiền đã tăng lên đến trên 8,1 nghìn tỷ đồng! Điều đáng nói, đến thời điểm tháng 11/2014, dự án vẫn với tốc độ “rùa bò”.

Trước sự việc trên, dư luận không khỏi nghi ngờ về năng lực của các nhà thầu đang trực tiếp triển khai dự án

Tuấn Ngọc