Theo BSC tính đến cuối tháng 10, giá các loại phân bón ure, DAP, và kali trên thế giới đã tăng lần lượt 97%, 67%, và 92% so với đầu năm. Ở thị trường Việt Nam, giá phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu đã tăng khoảng 80-130%. Trong đó, ure là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng khoảng 130%, lên mức 15.500 – 16.000 đồng/kg tại TP. HCM, tiếp đến DAP tăng gấp đôi so với đầu năm.
Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng kỷ lục chủ yếu đến từ giá nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, giá khí tự nhiên tăng gấp đôi, giá than tăng gấp 3,2 lần khiến nhiều nhà máy phân bón ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến nguồn cung cho thế giới. Cùng với việc chuỗi cung ứng thế giới bị đứt gãy khiến cước vận tải biển tăng phi mã, đẩy chi phí sản xuất các loại phân bón tăng cao.
Ngoài ra, Trung Quốc áp dụng lệch hạn chế xuất khẩu phân bón để nguồn cung cho thị trường nội địa cũng góp phần đưa tạo ra cơn bão giá.
Do đó, BSC dự báo giá phân bón thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong cuối năm 2021 và đầu 2022 bởi nguyên liệu khí đốt, dầu thô và than biến động khó lường, cước vận tải vẫn chưa hạ nhiệt.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có thể khiến nhiều nhà máy phân bón phải ngừng sản xuất ngoài dự kiến trong khi các quốc gia tăng cường sản xuất, tích trữ lương thực. Các nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu như Trung Quốc, Nga, Ai Cập ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu khiến cho thị trường càng thêm căng thẳng.
Để đảm bảo nguồn cung cho vụ sản xuất năm 2022, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp phân hạn chế xuất khẩu phân bón, tăng công suất nhà máy. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang đối tượng chịu thuế VAT với mức 5%, áp dụng ở tất cả các khâu như nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ.
Minh Đức