Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm 2021 đến nay giá phân bón trong nước liên tục tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh miền tây Nam bộ. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng thông tin thêm, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong thời điểm tháng 7/2021 giá phân bón sản xuất trong nước, phân urê Phú Mỹ tăng 83,7% (từ 6.750 đồng/kg lên 12.400 đồng/kg), urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).

Với mức tăng giá như hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn giá các loại phân bón sản xuất trong nước đã tăng trung bình 61,8%.

Ảnh minh họa
Phân bón tăng giá, cảnh báo nguy cơ gian lận thương mại, sản xuất hàng giả đối với mặt hàng này

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá phân bón trong thời gian qua tăng vọt được xác định do nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất phân bón (than, lưu huỳnh, ammoniac…) trong nước và nhập khẩu bị sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ phân bón thành phẩm không giảm, thêm vào đó chi phí Logistic tăng mạnh trong thời gian vừa qua do giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra nhân công thiếu hụt, việc sản xuất trong nước và thế giới bị ngưng hoặc giảm công suất, nhiều nơi bị đình trệ cũng tạo khan hiếm cho thị trường phân bón trong nước.

Đáng lưu ý, hiện nay Trung Quốc, một trong những nước xuất khẩu phân bón cũng đã giảm công suất, dừng xuất khẩu phân bón để ưu tiên thị trường nội địa... Tất cả các yếu tố trên đã làm cho giá cả phân bón tăng cao cả thị trường trong nước và trên thế giới.

Theo nhiều nhận định của các nhà quản lý trong nước, trước tình trạng mặt hàng phân bón đang bị hạn chế tại thị trường trong nước, không loại trừ việc xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng để tăng giá một cách bất hợp lý tại một số tư thương có hoạt động kinh doanh phân bón.

Dự báo giá phân bón trong nước vẫn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán phân bón giả, không đảm bảo chất lượng, giả mạo nhãn mác, xuất xứ…xảy ra là rất lớn. Đặc biệt là tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp pháp dối với phân bón.

Nguy hại hơn nữa là tình trạng làm giả phân bón trong nước có nguy cơ gia tăng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng trong nuôi trồng của người dân.

Chính vì vậy, để góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung, kiểm soát có hiệu quả giá phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, ngoài những giải pháp như kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dừng xuất khẩu, tập trung đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước; tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu để trục lợi góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Thành Nam