Mở đầu chương trình làm việc sáng nay 28/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Theo Báo cáo, trong hơn 500 doanh nghiệp nhà nước (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) theo báo cáo, có 7 tập đoàn kinh tế, 57 tổng công ty nhà nước, 441 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực so với hiện diện trên 60 ngành, lĩnh vực vào năm 2001, đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh.
Chính phủ cũng cho biết, theo đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt thì Bộ Quốc phòng chỉ giữ lại 17/88 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 12 công ty cổ phần có vốn góp trên 51% thực sự là các các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng.
Dự kiến đến 2020 chỉ còn khoảng 150, chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và ba tập đoàn Dầu khí, Điện lực và Viettel.
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp nhà nước cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội.
Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xăng, dầu, điện, than, hàng không, viễn thông, đường sắt, hóa chất, sắt, thép, giấy, phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu đã đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư, chi tiêu, không tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Trong khi đó, đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá: doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.
Việc quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp (bao gồm quyền sử dụng đất) theo Chính phủ thì về cơ bản được thực hiện theo pháp luật quy định nhưng qua công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước cho thấy vẫn còn sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản. Tập trung ở một số khâu như thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản cố định không đúng quy định của Nhà nước, sai thẩm quyền, sai đối tượng cho phép, hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh không đúng bản chất thực tế; trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật; huy động, quản lý, sử dụng vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả. Một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao….
T.Bình