Ngày 18/3, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với lĩnh vực tài chính, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn tỉnh Bình Dương) nêu, mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2020 đến nay không còn phù hợp trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng hằng năm và tình hình kinh tế-xã hội đang gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới chưa và mức bao nhiêu là phù hợp.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhiều cơ quan báo chí nêu mức tính thuế thu nhập cá nhân không phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá tăng cao, thu nhập của gia đình, nhất là ở thành thị không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

“Theo kế hoạch, năm 2025 mới bắt đầu sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi đó Bộ Tài chính mới nêu quan điểm và lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân, cơ quan; lúc đó mới xây dựng lại yếu tố giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Sau khi Quốc hội ban hành quy định về sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi đó thực hiện đúng theo quy định mới của Luật”- Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. (Ảnh minh hoạ)

Phát biểu tranh luận, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, năm 2024 doanh nghiệp và người dân đang gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là năm có tính chất quan trọng trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá hơn - nhất là giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, vì số lượng doanh nghiệp hiện nay rút khỏi thị trường rất lớn.

Đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng, hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua Quốc hội giảm nhiều khoản thuế, phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, gỡ khó khăn của nền kinh tế tập trung gỡ các nút thắt pháp lý, thủ tục đầu tư, môi trường, chất lượng sản phẩm, tín dụng chứ không có nghĩa cứ giảm thuế, phí.

“Cứ giảm thuế, phí thì giảm sức mạnh tài chính công trong khi đất nước đang còn bội chi ngân sách thì không hiệu quả, ảnh hưởng đến hệ thống cả nền kinh tế. Do đó nên áp dụng đồng bộ. Khi doanh nghiệp làm ăn được thì họ không nợ thuế, không nợ ngân hàng, không nợ trái phiếu, không nợ bảo hiểm, họ có có tích lũy thì đất nước sẽ hùng mạnh” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Phương Thảo(t/h)