Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước, từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các quy định quản lý, vận hành thị trường carbon, bao gồm: Quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Từ năm 2028, thị trường carbon Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động: Vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phân tích, thị trường carbon của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng, mang lại cơ hội đầu tư sinh lời vào các dự án tín chỉ carbon. Doanh nghiệp ở các nước phát triển có thể tìm kiếm tín chỉ carbon từ Việt Nam để đáp ứng các mục tiêu tuân thủ và bù đắp tự nguyện của họ.
Theo ông Kiên, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam đang chịu áp lực giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các cam kết bền vững. Nhà đầu tư có thể hợp tác với các tập đoàn này để phát triển và thực hiện các dự án bù trừ carbon đáp ứng các mục tiêu bền vững của doanh nghiệp. Một tập đoàn toàn cầu có thể đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương ở Việt Nam để bù đắp lượng khí thải carbon và nâng cao trách nhiệm xã hội của công ty mẹ.
Theo Tiến sỹ Hà Huy Ngọc thì, kinh nghiệm quốc tế thành công trong cuộc đua tăng trưởng xanh tập trung vào 5 yếu tố: các chiến lược và lộ trình tăng trưởng xanh chi tiết, rõ ràng; hệ thống khung pháp lý đồng bộ với cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ tăng trưởng xanh phù hợp; triển khai sớm các dự án xanh thí điểm; huy động và quản lý nguồn lực đầu tư và tài chính cho tăng trưởng xanh toàn diện; đội ngũ hoặc hệ thống quản trị chiến lược xanh tích cực và sát sao. Đây là những điều Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng trong quá trình chuyển đổi xanh.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, một nội dung quan trọng là xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững, mà phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường là một yếu tố cần được coi trọng.
Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc trong quá trình xây dựng, phát triển sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tuy nhiên, để phát triển được thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp phải vượt qua thách thức về tài chính. Bởi lẽ, chi phí, phí tổn trong quá trình triển khai là kiểm đếm ở mức cao, trong điều kiện Việt Nam hầu như chưa có các công ty trung gian làm công tác này và nếu thuê ngoài sẽ rất tốn kém. Do đó, việc tìm hiểu các mô hình triển khai từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới trong tiến trình thực hiện và tham gia thị trường carbon là rất quan trọng.
Tiến sỹ Vũ Minh Pháp, Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã tham gia Cơ chế Phát triển sạch của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và cơ chế tín chỉ chung (JCM). Hiện có 14 dự án JCM đã đăng ký và khoảng 4.400 khoản tín chỉ được cấp vào cuối năm 2020; 24 dự án theo tiêu chuẩn vàng với gần 5 triệu tín chỉ tiêu chuẩn vàng được cấp; 22 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn carbon đã được xác minh với khoảng 600.000 tín chỉ.
Theo ông Pháp, trên thế giới, các tập đoàn lớn trong ngành dầu khí thường dùng chương trình giảm thiểu phát thải carbon nội bộ cho các doanh nghiệp trong tập đoàn trước khi tiến ra thị trường quốc tế và thực hiện mua bán.
Ví dụ: Tập đoàn BP (Vương quốc Anh) đã tổ chức và thiết kế hệ thống trao đổi hạn ngạch (ETS) nội bộ đầu tiên trên thế giới, sau đó thực hiện các giao dịch ETS nội bộ từ năm 2000 và tiếp tục cải tiến, thực hiện phân bổ hạn ngạch theo quý với các đơn vị thành viên, thúc đẩy việc giảm phát thải. Sau khi áp dụng, thực hiện thành công hệ thống ETS nội bộ, BP mới tiến hành các giao dịch tín chỉ carbon ra bên ngoài.
Tập đoàn Shell (Vương quốc Anh) đã áp dụng ETS nội bộ và dù gặp phải không ít khó khăn trong quá trình triển khai, như việc nguồn cung hạn ngạch vượt quá nhu cầu trong nội bộ, hay việc mua bán hạn ngạch nội bộ xuyên biên giới giữa các công ty con ở các quốc gia khác nhau làm phát sinh nghĩa vụ thuế tại nhiều khu vực, nhưng quá trình triển khai này đã mang lại những hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm thực tế để Tập đoàn có được những sáng kiến về phát thải và tham gia thị trường ETS tốt hơn.
Và, kinh nghiệm từ BP và Shell cho thấy, để có thể triển khai thành công và tham gia sâu vào thị trường tín chỉ carbon, giải pháp khả thi là việc tự xây dựng và áp dụng hệ thống ETS nội bộ, giúp giảm phát thải của các doanh nghiệp thành viên, tiến tới việc trao đổi tín chỉ carbon trên quy mô toàn cầu.
“Thị trường tín chỉ carbon rất tiềm năng, nhất là với các doanh nghiệp dầu khí, nhưng đây cũng là lĩnh vực mới. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu để tuân thủ nghĩa vụ giảm thiểu phát thải, cùng với đó là bố trí nhân sự chuyên trách tham gia giảm thiểu phát thải và tham gia thị trường carbon”, ông Pháp nhấn mạnh.
Trên thế giới, hiện có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được đưa vào vận hành.
PV (t/h)