Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao nội dung của dự thảo luật, thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu và chỉnh lý. 

Quốc hội thảo luận
Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Hội trường. Ảnh quochoi.vn.

Các đại biểu cũng tham gia ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương, điều khoản trong dự thảo luật như: phạm vi sửa đổi luật, tính thống nhất với các luật khác; quy định về các điều cấm, tài sản đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; quy định về đấu giá viên, quyền của các tổ chức hành nghề đấu giá; đấu giá trực tuyến, xử lý các trường hợp trong đấu giá; chế tài xử lý vi phạm với các trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; điều khoản chuyển tiếp...

Các ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cho biết, trên cơ sở đó cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Luật để bảo đảm chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Luật Đấu giá tài sản sẽ quy định về quy trình đấu giá tín chỉ carbon. Ảnh quochoi.vn.

Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao quá trình phối hợp tiếp thu, xin ý kiến nhiều vòng, bảo đảm chất lượng. Các đại biểu đều ghi nhận các chính sách lớn đã được chỉnh lý, tiếp thu; thống nhất với phạm vi điều chỉnh để xử lý, bất cập, vướng mắc; quy định trình tự, thủ tục rõ ràng hơn, công khai minh bạch hơn, bảo đảm hiệu quả công tác đấu giá tài sản trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, chỉ quy định về thủ tục chung mà các luật chuyên ngành quy định tài sản phải đưa ra đấu giá. Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị quy định về tín chỉ carbon hay tài sản số, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, các luật chuyên ngành sẽ quy định. Luật Đấu giá tài sản sẽ quy định về quy trình đấu giá tín chỉ carbon. 

Về quyền, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản…Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, quy định rút gọn đối tượng tham gia đấu giá, bảo đảm ngăn chặn hành vi thông đồng, móc nối, biến tướng làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc đấu giá. 

Ảnh internet.
Luật Đấu giá tài sản sẽ quy định về quy trình đấu giá tín chỉ carbon. Ảnh internet.

Một số đại biểu nêu nhiều nội dung như về Cổng đấu giá tài sản quốc gia, về chế tài xử lý vi phạm, tiêu chuẩn đáu giá viên, tập sự, miễn đào tạo…cũng như các vấn đề kĩ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết các cơ quan sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho biết, tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có nêu: “Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc cấm gộp các tài sản có công năng sử dụng độc lập thành một lô để bán đấu giá nhằm hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân; đề nghị không nên quy định việc đấu giá một tài sản hoặc nhiều tài sản theo lô mà nên để người có tài sản đấu giá quyết định và chịu trách nhiệm về việc đấu giá tài sản”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc chịu trách nhiệm đối với tài sản đưa ra đấu giá, việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô tài sản khi đưa ra đấu giá tại dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 47). 

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, quy định như vậy không rõ ràng và dễ xảy ra tiêu cực.

PV (lược ghi)