Mô hình canh tác lúa giảm phát thải được triển khai tại Đắk Lắk không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn tạo ra thêm tín chỉ Carbon. 

Người nông dân trồng lúa tại Đắk Lắk rất phấn khởi trong những ngày này. Sau 4 tháng triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải tại xã Bình Hòa, huyện Krong Ana đã có thể thực hiện mua tín chỉ Carbon từ diện tích lúa canh tác này.

Ảnh internet.
Tin vui: Lần đầu tiên bán tín chỉ Carbon từ trồng lúa. Ảnh internet.

Mặc dù không được tham gia vào đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp của Chính phủ triển khai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng Đắk Lắk vẫn mong muốn chuyển đổi sản xuất lúa nước tại địa phương theo hướng xanh và giảm phát thải, tạo thêm giá trị gia tăng từ việc bán tín chỉ carbon.

Giải pháp canh tác lúa được áp dụng theo quy trình canh tác lúa ướt khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế IRRI trên diện tích 42 ha. Năng suất dự kiến đạt 11 tấn/ha.

Theo người dân, không những năng suất tăng lên mà chi phí đã giảm khoảng 15% so với canh tác kiểu cũ. Đặc biệt khi áp dụng mô hình này, mỗi ha sẽ tạo ra 3 tín chỉ Carbon, được thu mua với giá 20 USD/tín chỉ, như vậy là khoảng hơn 1,5 triệu đồng/ha.

Đơn vị thu mua tín chỉ Carbon cho Đắk Lắk là thành viên của Công ty Netzero Carbon Thái Lan. Sau khi làm việc trực tiếp với địa phương, công ty cam kết chỉ cần ra báo cáo giảm phát thải là mua ngay mà không cần có đơn vị thứ ba cấp tín chỉ.

Hiện tại, thị trường quan trọng nhất là Châu Âu chưa công nhận bất kỳ tín chỉ của tổ chức nào nhưng báo cáo giảm phát thải được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn và quy định của Liên Hợp quốc.

Dự kiến, vụ hè thu tỉnh Đắk Lắk sẽ nhân rộng mô hình này .

Ngành lúa gạo Việt Nam nói chung đang thực sự chuyển mình, thay đổi tư duy sản xuất, tư duy thị trường, đánh dấu chiến lược xoay chuyển, không chạy theo số lượng và tiến đến nâng giá trị và chất lượng, từ đó hình thành con đường lúa gạo mới bền vững và thịnh vượng.

Theo VTV.vn