Nhật báo Nikkei Asia dẫn lời các chiến lược gia, nhiều ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đã tăng cường mua vàng sau khi phương Tây quyết định đóng băng các tài sản ở nước ngoài của Nga.

Được biết, khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga và hàng tỷ USD khác do các cá nhân và doanh nghiệp nắm giữ đã bị Mỹ và các đồng minh đóng băng. Điện Kremlin đã nhiều lần lên án hành vi trên là “trộm cắp”.

Ảnh internet
Dự trữ vàng của nhiều nước trên thế giới tăng nhanh về số lượng. Ảnh internet.

Con số  399,3 tấn đã tăng đột biến từ 186 tấn được ghi nhận trong quý trước và 87,7 tấn trong quý đầu tiên của năm nay. Trong khi đó, tổng lượng mua từ đầu năm đến nay đã vượt qua kỷ lục của bất kỳ năm nào kể từ năm 1967.

Nhà kinh tế Emin Yurumazu nói với giới truyền thông rằn,g các nước rất muốn tích trữ vàng, sau khi chứng kiến tài sản ở nước ngoài của Nga bị đóng băng như một phần của lệnh trừng phạt.

Thông tin từ các ngân hàng Trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Ấn Độ là đã mua lần lượt 31,2 tấn, 26,1 tấn và 17,5 tấn. Hiện vẫn chưa rõ quốc gia nào đã mua phần còn lại trong tổng số hơn 399 tấn.

“Trung Quốc có thể đã mua một lượng vàng đáng kể từ Nga”, nhà phân tích thị trường kiêm cựu giám đốc Hội đồng Vàng Thế giới, Itsuo Toshima, nhận định. Ông giải thích, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể âm thầm mua một phần trong số hơn 2.000 tấn vàng mà Ngân hàng Trung ương Nga nắm giữ.

Nhà phân tích trên lưu ý, cơ quan quản lý tiền tệ Trung Quốc vốn không tiết lộ bất kỳ giao dịch mua vàng nào từ năm 2009 đến 2015, song sau đó báo cáo, họ đã tăng dự trữ thêm 600 tấn. Trung Quốc đã không công bố bất kỳ báo cáo mới nào về việc mua vàng kể từ năm 2019.

Cơn sốt mua vàng hiện nay là một phần trong những nỗ lực mới của các ngân hàng Trung ương nhằm bảo vệ tài sản của họ thông qua cách giảm mức độ phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Trung Quốc đã và đang đi đầu trong xu hướng phi đô la hóa hiện nay. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, quốc gia này đã bán 121,2 tỷ USD trái phiếu Mỹ trong vòng từ tháng Ba đến tháng 10.

Vân Quỳnh (t/h)