Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu cụ thể, hướng đi đúng đắn, quyết tâm chính trị cao, bằng ý chí và niềm tin sắt đá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân, đưa Vĩnh Phúc phát triển nhanh và bền vững.

Đây là mong muốn, đồng thời cũng là động lực, là nhiệm vụ đặt ra bằng mọi giá phải thực hiện thành công vì chiến lược phát triển con người, lấy con người làm trọng tâm hướng tới của tỉnh. Từ đó mới có thể hoàn thành mục tiêu đưa Vĩnh Phúc lên tầm cao mới, xã hội thực sự giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Để làm được điều này, ngay từ đầu nhiệm kỳ mới 2020-2025, chúng ta cần quán triệt 4 vấn đề trọng tâm, đó là: Đổi mới tư duy, quyết liệt hành động, khai thông các điểm nghẽn và phát huy tối đa các nguồn lực có được.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.

Nhìn lại quá trình hơn 20 năm tái lập tỉnh có thể thấy, trong mọi thời điểm, mọi giai đoạn, Vĩnh Phúc đều có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và hợp lý để đưa tỉnh nhà không ngừng vươn lên những tầm cao mới.

Từ một tỉnh nghèo phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức, lệ thuộc phần lớn vào sự trợ giúp của Trung ương, qua từng mốc thời gian cụ thể, nhờ khai thác tốt các tiềm năng lợi thế sẵn có, tranh thủ thời cơ, phát huy tối đa các nguồn lực..., Vĩnh Phúc nhanh chóng vươn lên thành địa phương tự cân đối và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số thu nội địa cao nhất cả nước; nhiều năm liên tục có số thu ngân sách nằm trong Top đầu quốc gia.

Thu nhập bình quân đầu người bằng 1,6 lần bình quân chung cả nước. Tăng trưởng kinh tế thường xuyên ở mức trên dưới 10%/năm. Vĩnh Phúc sau hơn 20 năm tái lập, nhất là trong những năm gần đây ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế quan trọng của một tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ và vùng Thủ đô.

Có được kết quả này là nhờ Vĩnh Phúc biết phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha ông, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc cùng lớp lớp cán bộ, đảng viên đi trước. Không cam chịu đói nghèo, không bằng lòng với kết quả đã đạt được, luôn hun đúc khát vọng vươn lên vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Nhiệm kỳ 2020-2025 của Vĩnh Phúc bắt đầu bằng những nhiệm vụ hết sức thiết thực, cụ thể, gắn liền với lợi ích thực tế và cuộc sống của người dân trên địa bàn. Những nhiệm vụ này được gói gọn trong 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, cốt lõi của những vấn đề trên chính là việc đổi mới tư duy, quyết liệt hành động, khai thông các điểm nghẽn và phát huy có hiệu quả các nguồn lực.

Đổi mới tư duy trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt, gồm: Đổi mới về mặt nhận thức, Đảng lãnh đạo toàn diện, sâu sát đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề lớn, trọng tâm thông qua chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, định hướng, song tuyệt đối không bao biện làm thay, không “lấn sân” hay quyết định các công việc cụ thể của chính quyền hay của các cơ quan, đơn vị.

Đổi mới trong cách thức ban hành nghị quyết trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ để lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, tạo điểm nhấn, động lực cho các lĩnh vực khác và cho cả hệ thống chính trị, sau đó bàn bạc, thống nhất ban hành các nghị quyết, chỉ thị để tập trung lãnh đạo.

Đổi mới trong cách thức lãnh đạo tổ chức thực hiện là căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết được cấp ủy ban hành; chính quyền có trách nhiệm phát huy tính chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; sau đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ.

Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để đạt mục tiêu.

Đổi mới công tác cán bộ bằng việc xác định rõ cán bộ là “khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt”, từ đó chú trọng sàng lọc, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết, nghiêm minh trong thi hành kỷ luật, cho nghỉ hoặc chuyển công tác khác với cán bộ hạn chế về năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mạnh dạn đề bạt cán bộ có năng lực...

Quyết liệt hành động là nói đi đôi với làm, Vĩnh Phúc chủ trương không ban hành những nghị quyết “trên giấy”, nội dung các nghị quyết phải phù hợp với thực tiễn xã hội, lan tỏa và đi sâu vào đời sống nhân dân. Vì vậy, các chủ trương, chính sách của tỉnh luôn được tuyệt đại đa số người dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

Với trách nhiệm thường xuyên củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và các cấp chính quyền, tỉnh tập trung tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm giải trình để kiểm soát quyền lực. Không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo điều kiện thuận lợi tối đa phục vụ nhu cầu của người dân trong cuộc sống thường ngày.

Sản xuất linh kiện điện tử của công ty TNHH Cammsys Việt Nam tại Vĩnh Phúc
Sản xuất linh kiện điện tử của công ty TNHH Cammsys Việt Nam tại Vĩnh Phúc

Tỉnh cũng kiên quyết loại bỏ, thuyên chuyển công tác những cán bộ hạn chế năng lực, thờ ơ, vô cảm với chức trách nhiệm vụ, đứng ngoài sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương...

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra, Vĩnh Phúc tập trung xây dựng cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho việc tháo gỡ các điểm nghẽn gồm: Triển khai các biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công bằng cách đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thẩm định dự án; kiên quyết cho thu hồi các dự án chậm triển khai, kiểm điểm trách nhiệm của các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, xây dựng phương án bổ sung nguồn lực cho những nơi có thể hấp thụ vốn...

Tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu - cụm công nghiệp, khu đô thị, đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất đấu giá, đất phát triển kinh tế - xã hội; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai...

Đẩy mạnh thu ngân sách, giải quyết dứt điểm các khoản chi đã có trong kế hoạch, chi chuyển nguồn..., bằng việc yêu cầu các đơn vị liên quan tích cực rà soát toàn bộ các nguồn thu, quản lý chặt đối tượng; thu hết các khoản nợ tồn đọng; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc về thuế...

Để xây dựng Vĩnh Phúc phát triển bền vững, giàu mạnh và phồn vinh, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải phát huy tối đa được các nguồn lực trong xã hội. Bởi nguồn lực là những nội lực ở bên trong có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, bao gồm vị trí địa lý, hệ thống các tài nguyên thiên nhiên và tài sản của mỗi vùng đất, con người, các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thị trường người lao động, thị trường tiêu thụ các sản phẩm… trong và ngoài nước.

Không một doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển mà không cần đến nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người. Xây dựng và phát huy nguồn lực con người là động lực quan trọng, là yếu tố quyết định đến công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chỉ có xây dựng môi trường phát triển tốt nhất cho nguồn lực con người mới có thể khơi dậy sức mạnh to lớn của xã hội, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Với định hướng đưa nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đề ra những chủ trương, biện pháp linh hoạt nhưng tuân thủ đúng quy định của pháp luật để có thể phát huy được tối đa hiệu quả đề ra. Theo đó, nhiệm vụ quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế cho phát triển xã hội phải được đặt lên hàng đầu, coi đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn trước mắt.

Quá trình triển khai nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước; tuân thủ và áp dụng đúng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh kinh tế hóa nguồn vật lực, trong đó tập trung vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Tập trung khai thác tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được hiệu quả cao nhất đề ra, quá trình thực hiện cần lấy việc kiểm kê, đánh giá đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ ngắn hạn đến dài hạn hoặc trong từng giai đoạn. Tất cả các nguồn lực của nền kinh tế phải được kiểm kê đánh giá, thống kê, hạch toán đầy đủ, đúng đắn trong nền kinh tế; được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả và phát triển bền vững. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với việc khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực, kiên quyết không để xảy ra thất thoát, lãng phí, cạn kiệt nguồn lực của đất nước và hủy hoại môi trường...

Xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững, giàu mạnh và phồn vinh, quyết tâm đưa Vĩnh Phúc lên một tầm cao mới là nhiệm vụ nặng nề, trọng trách lớn lao nhưng cũng là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền các cấp đối với người dân Vĩnh Phúc nói riêng, cả nước nói chung.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành