Hiện tại, UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố cổ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cùng các đơn vị tư vấn đã đánh giá hiện trạng các vòm cầu. Dự kiến, sau khi đục thông, đoạn phố Gầm Cầu cũng sẽ được cải tạo mặt đứng và trở thành một không gian văn hóa mới của Thủ đô.
Theo kế hoạch, toàn bộ phố Phùng Hưng có 131 cổng vòm hiện đã có 4 cổng thông, còn lại 127 cổng vòm sẽ được chia thành 3 giai đoạn để triển khai. Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1. Giai đoạn 2 sẽ đục thông các cổng vòm từ đoạn phố Phùng Hưng đến phố Hàng Cót. Giai đoạn 3 sẽ tiếp tục xử lý các cổng vòm từ Cửa Đông đến phố Lê Văn Linh.
Kết nối với không gian đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy và tạo sự kết nối đặc biệt với phố bích họa Phùng Hưng để tạo thành không gian mới hấp dẫn cho Hà Nội
Đoạn vòm cầu dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 1 bắt đầu từ Hàng Cót thông sang Hàng Giấy. Con phố tập trung khá nhiều hàng quán, chính vì thế, khi dự án khai thác, sử dụng vòm cầu sau đục thông hoàn thành, người ta có quyền hy vọng về một không gian mới cho phố Gầm Cầu. Không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm của làng nghề thủ công truyền thống phố cổ mà còn là không gian văn hóa, không gian ẩm thực thương mại…
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi dự án cải tạo thí điểm này hoàn thành sẽ trở thành một điểm kết nối giữa không gian phố Bích họa Phùng Hưng và tuyến phố đi bộ Hàng Đào - chợ Đồng Xuân…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng cho biết, hiện dự án chỉ còn chờ thủ tục cấp phép và tuyển chọn nhà thầu nên đầu tháng 12 là có thể bắt tay vào thi công.
Thực tế là cả đoạn phố Gầm Cầu có 15 vòm, trước mắt chỉ đục thông 6. Sáu vòm này đã khảo sát khá kỹ, lý do lựa chọn 6 vòm cầu này vì tính đại diện cho 5 hệ kết cấu khác nhau ở cầu cạn Phùng Hưng: ó vòm bịt hai mặt và ở trong rỗng, có vòm phía trong chèn cột đá, có vòm phía trong đổ cát. Việc tuyển chọn “đại diện” này để có thể đánh giá tổng thể cho dự án sau này đặc biệt là đảm bảo an toàn đường sắt trong điều kiện thi công phía dưới nhưng vẫn chạy tàu phía trên. Bên cạnh đó, sẽ giải tỏa một số hộ hiện nằm trong phạm vi bảo vệ an toàn công trình đường sắt đồng thời cải tạo mặt đứng cả tuyến phố.
Chủ trì Dự án, GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) nhận định: Đây không phải đơn thuần là dự án đục thông vòm cầu, trả lại không gian đã làm từ hơn 100 năm trước mà là một dự án đặc biệt quan trọng nằm trong một đề án tổng thể xây dựng không gian văn hóa - thương mại - dịch vụ - du lịch của Thủ đô mà khu vực 131 vòm cầu (từ Cửa Đông đến ga Long Biên).
Cái khó nhất của dự án nằm ở chỗ, phải làm thế nào để sau khi đục thông, nơi đây sẽ trở thành một không gian công cộng tuyệt vời, nhằm tạo nên một chuỗi các không gian sinh hoạt cộng đồng, kết hợp tuyến phố đi bộ, tạo thành một không gian có bản sắc và sức hấp dẫn của khu vực lõi của không gian phố cổ Hà Nội.
Theo nội dung báo cáo đề xuất của Viện Quy hoạch & Kiến trúc đô thị với cấp có thẩm quyền, thì toàn bộ tuyến 131 vòm cầu sẽ được phân đợt thi công thành 4 giai đoạn. Sáu vòm cầu được đục thông từ Hàng Cót tới Hàng Giấy nằm trong tổng thể 15 vòm thuộc phân đoạn 3 nhưng được thi công thí điểm ở giai đoạn đầu tiên, Sau khi xây dựng thí điểm 6 vòm đầu tiên thì 9 vòm còn lại sẽ được làm tiếp, và phân đoạn Hàng Cót - Hàng Giấy sẽ được thiết kế chỉnh trang cả hai bên vòm cầu đục thông, cả dãy mặt nhà đối diện các vòm cầu thành một không gian đẹp và bản sắc.
Hằng Vương (T/h)