Các cuộc khảo sát kinh doanh do S&P Global công bố trong tuần cho thấy, Tây Ban Nha và Itlay đã đánh bại kỳ vọng của các nhà kinh tế với mức tăng trưởng nhanh hơn trong tháng Ba vừa qua. Thước đo sản xuất của Hy Lạp cũng cho thấy xu hướng tương tự. Điều này đã giúp chỉ số của khối tiền tệ chung thoát khỏi cơn suy thoái lần đầu tiên sau 10 tháng.

Du lịch tăng vọt kể từ sau đại dịch Covid-19, xuất khẩu bùng nổ và giá năng lượng thấp hơn đã khiến các quốc gia được gọi là ngoại vi ở Địa Trung Hải có lợi thế trong khu vực đồng Euro. Nguồn Getty.
Du lịch tăng vọt kể từ sau đại dịch Covid-19, xuất khẩu bùng nổ và giá năng lượng thấp hơn đã khiến các quốc gia được gọi là ngoại vi ở Địa Trung Hải có lợi thế trong khu vực đồng Euro. Nguồn Getty.

Ngân hàng Thương mại Hamburg, Đức cho biết: “Tây Ban Nha và Italy mang lại sự thúc đẩy lớn nhất, với tốc độ tăng trưởng tăng lên mức mạnh nhất trong gần một năm”. Điều này giúp bù đắp sự sụt giảm kéo dài về sản lượng ở Đức và Pháp, bắt đầu từ giữa năm 2023.

Du lịch tăng vọt kể từ sau đại dịch Covid-19, xuất khẩu bùng nổ và giá năng lượng thấp hơn nhờ năng lượng tái tạo và sự phụ thuộc hạn chế vào khí đốt của Nga, đã khiến các quốc gia được gọi là ngoại vi ở Địa Trung Hải có lợi thế trong khu vực đồng Euro.

Ngày 6/4 vừa qua, tại một hội nghị ở Athens, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras thông tin: “Sau đại dịch, du lịch đang hoạt động rất tốt ở phía Nam Châu Âu”.

Tuy nhiên, theo ông Stournaras, sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ của khu vực chủ yếu là do sau nhiều năm, các nước Nam Âu đã “điều chỉnh sự mất cân đối của mình nên hiện tại họ đang phát triển ở mức lành mạnh mà không có sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô”.

Chỉ hơn một thập niên trước, chính những quốc gia này - từng bị coi là lãng phí và kém năng suất - là cốt lõi của cuộc khủng hoảng nợ, đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của đồng tiền chung.

Theo Ủy ban Châu Âu (EC), năm nay, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp dự kiến sẽ nằm trong số những nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất trong khối 20 quốc gia thành viên.

Quảng trường Sevilla với kiến trúc nổi bật thời Phục Hưng.@iStock, điểm du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha.
Quảng trường Sevilla với kiến trúc nổi bật thời Phục Hưng.@iStock, điểm du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha.

Ngược lại, chính phủ Pháp vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 và báo cáo thâm hụt ngân sách vượt xa ước tính cho năm 2023, khiến nước này phải tìm cách cắt giảm chi tiêu hàng chục tỷ Euro.

Đức, nền kinh tế đầu tàu Châu Âu, có thể đang ở giai đoạn cuối của một cuộc suy thoái, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu bên ngoài yếu và chi phí vay cao.

Các nhà đầu tư bao gồm: Vanguard Asset Management, JPMorgan Asset Management và Neuberger Berman đã mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia Nam Âu, tận dụng đà tăng đã thu hẹp mạnh chênh lệch của các nước này so với Đức và Pháp.

Ví dụ, lợi suất trái phiếu Bồ Đào Nha kỳ hạn 10 năm đã giảm gần một nửa xuống còn khoảng 65 điểm cơ bản kể từ mức đỉnh giữa năm 2022.

Nền kinh tế xứ sở bò tót nói riêng nổi bật so với các quốc gia khác khi nước này chứng kiến sự bùng nổ trong xuất khẩu nhiều mặt hàng, từ dịch vụ tài chính đến sản xuất, vốn đã tăng tốc kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

Nhà kinh tế Jesus Castillo của ngân hàng Natixis có trụ sở tại Paris (Pháp) nói với Bloomberg: “Đây sẽ không phải là một Eldorado mới, nhưng đó là một quốc gia sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư”. Eldorado được dùng nhằm chỉ những nơi giàu có và đầy triển vọng.

Chuyên gia kinh tế chỉ ra, Tây Ban Nha, ngoài việc được hưởng lợi từ việc ít phải đối mặt với tình trạng giá nhiên liệu hóa thạch tăng lên, có thể có “những lợi thế lâu dài” bao gồm chi phí lao động thấp hơn tại Pháp, Đức và Italy, lực lượng lao động lành nghề và hệ thống chăm sóc sức khỏe hoạt động tốt.

Ông cũng cho biết, quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất về nước.

Nhu cầu nội địa Tây Ban Nha vẫn mạnh mẽ, với việc người tiêu dùng và các tập đoàn đã cắt giảm nợ xuống mức thấp nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng 2008-2012 và tỷ lệ thất nghiệp dao động quanh mức thấp nhất kể từ năm 2007.

Ông Ales Koutny, người đứng đầu bộ phận giá quốc tế tại tập đoàn tư vấn Vanguard có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Chúng tôi thực sự thích Tây Ban Nha”.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha và Pháp đã giảm hơn một nửa kể từ mức đỉnh vào giữa năm 2022 xuống chỉ còn trên 30 điểm cơ bản.

Tại nước láng giềng Bồ Đào Nha, du lịch đã mang lại doanh thu kỷ lục 25 tỷ Euro (27,2 tỷ USD) vào năm 2023, tăng từ mức 21 tỷ Euro của năm trước. Đất nước này cũng chứng kiến sự gia tăng ổn định trong xuất khẩu, bao gồm hàng dệt may, cũng như ô tô và phụ tùng ô tô. Kể từ năm 2019, Bồ Đào Nha là nhà sản xuất xe đạp lớn nhất Châu Âu.

Quốc gia Nam Âu này cũng đã trở thành một “điểm nóng” bất động sản cho người mua nước ngoài. Các nhà đầu tư giàu có đang “chộp” lấy các tòa nhà thương mại, khách sạn và bất động sản dân cư trong những năm gần đây.

Một khu chợ tại Hy Lạp. (Nguồn: Flickr)
Một khu chợ tại Hy Lạp. Nguồn Flickr.

Với lượng mưa phục hồi và nhiều tuabin gió, Bồ Đào Nha cũng có thể giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để phát điện. Năm ngoái, năng lượng gió đáp ứng 25% tổng nhu cầu điện, trong khi thủy điện chiếm 23% và các nhà máy chạy bằng khí đốt chiếm 19%.

Việc loại bỏ khí đốt là một thách thức đặc biệt đối với Đức, vốn đã quen với việc cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp nặng bằng nguồn nhập khẩu giá rẻ từ Nga trong nhiều thập niên trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine bùng nổ (tháng 2/2022) và cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó.

Trong khi đó, tháng 1/2024, tờ The Economist đã xếp Hy Lạp là nền kinh tế hoạt động tốt nhất trên toàn thế giới trong năm thứ hai liên tiếp. Điều này không chỉ khẳng định vị thế của nước này mà còn gia tăng mức độ tín nhiệm với các nhà đầu tư khắp thế giới, tận dụng lợi thế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook report) mới được công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng 2% vào năm 2024, vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 0,7-1,2% của khu vực đồng tiền chung Euro.

Hy Lạp còn chứng kiến ngành du lịch phá kỷ lục hằng năm kể từ đại dịch. Lĩnh vực này chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế và tạo ra doanh thu tăng thêm 15,7% vào năm 2023.

Xây dựng cũng là một động lực tăng trưởng lớn, với số giấy phép xây dựng được cấp trong năm ngoái nhiều hơn gần 56% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, Hy Lạp đã giải quyết được vấn đề nợ nần, việc bán 30% cổ phần của Sân bay quốc tế Athens hai tháng trước đã đánh dấu đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất của nước này trong hơn hai thập niên.

Trong bối cảnh Châu Âu nói chung và khu vực đồng tiền chung Euro nói riêng đang đối mặt với triển vọng kinh tế đầy thách thức với lạm phát tăng và lãi suất cao, sự trỗi dậy của những “ngôi sao” ở khu vực Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng của châu lục.

Theo baoquocte.vn