Giá khí đốt tự nhiên đã lao dốc do tình trạng dư cung sau mùa Đông ấm hơn dự kiến. Thời kỳ hoàng kim gần đây của khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), với giá cả và lợi nhuận tăng cao, đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.
Mỹ và Châu Âu "chao đảo" vì giá khí đốt giảm
Trong một báo cáo gần đây từ Ngân hàng Morgan Stanley, việc xây dựng công suất LNG lên tới hơn 150 triệu tấn mỗi năm đánh dấu làn sóng mở rộng kỷ lục. Đối với một thị trường đang có công suất hơn 400 triệu tấn/năm, con số trên thể hiện sự tăng trưởng nguồn cung đáng kể.
Các chiến lược gia hàng hóa của Morgan Stanley dự đoán tình trạng dư cung trên thị trường khí đốt sẽ đạt mức cao nhất trong nhiều thập niên trong những năm tới. Giá khí đốt tự nhiên hiện ở mức 1,83 USD/MMBtu (MMBtu là 1 triệu đơn vị nhiệt Anh), giảm khoảng 22% từ đầu năm đến nay.
Mỹ, quốc gia tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới, vừa báo cáo mùa Đông ấm nhất trong lịch sử. Trong khi Châu Âu ghi nhận nhiệt độ mùa Đông ấm thứ hai trong lịch sử. Tương tự, nhiệt độ trung bình của Nhật Bản trong mùa Đông cũng cao hơn 1,27 độ C so với bình thường và là mùa Đông ấm thứ hai được ghi nhận.
Hồi tháng Hai vừa qua, giá khí đốt tự nhiên giao ngay ở mức 1,72 USD/MMBtu, mức thấp kỷ lục. Mức giá thấp hơn có thể tạo tạo thuận lợi cho một số nước.
Cuộc khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) ngày 1/4 cho thấy hoạt động sản xuất, vốn bị ảnh hưởng do lãi suất cao, đang trên đà phục hồi, dù vẫn còn rủi ro bởi giá nguyên liệu thô tăng. Chủ tịch Ủy ban khảo sát kinh doanh sản xuất của ISM, ông Timothy Fiore, cho biết “nhu cầu vẫn đang ở giai đoạn đầu phục hồi, cùng với những dấu hiệu rõ ràng về tình trạng cải thiện”.
Báo cáo mới nhất do Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) công bố ngày 3/4 cho thấy, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2024 đã giảm sâu hơn dự báo.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng Ba tăng 2,4%, thấp hơn mức tăng 2,6% trong tháng 2/2024. Con số này cũng không vượt các dự báo của thị trường về mức tăng 2,5-2,6%.
Loại bỏ giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá dễ biến động, lạm phát cốt lõi của Eurozone cũng giảm sâu hơn dự kiến trong tháng Ba, từ mức 3,1% trong tháng Hai xuống 2,9%.
Lạm phát đang tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của ECB. Điều này sẽ khiến kịch bản ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu trở nên khả thi hơn.
Theo Destatis, trong tháng 3/2024, lạm phát tại nền kinh tế đầu tàu Châu Âu tiếp tục giảm, xuống 2,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Lạm phát lõi ở mức 3,3%. Trước đó, trong tháng Một và tháng 2/2024, lạm phát lần lượt ở mức 2,9% và 2,5%.
Chuyên gia kinh tế Timo Wollmershäuser của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo tại thành phố Munich (München) nhận định, lạm phát tại Đức đang tiếp tục giảm và có khả năng giảm xuống dưới mức 2% trong mùa Hè tới.
Nợ công của Nga ở mức an toàn
Ngày 3/4, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, nợ công của nước này ở mức an toàn, chiếm 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Ông Mishustin cũng lưu ý rằng, chi phí để trả nợ quốc gia của Nga đã tăng lên, nhưng mức tăng này chỉ do chi phí đi vay tăng. Lợi tức của trái phiếu liên bang kỳ hạn 10 năm đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2021 và tỷ suất nợ tăng 1% dẫn đến chi phí trả cho khoảng 150 tỷ Ruble (1,62 tỷ USD) mỗi năm tăng lên.
Số lượng tỷ phú Nga trong danh sách mới nhất của Forbes đã đạt kỷ lục lịch sử là 125 người, tăng thêm 15 người so với 2023.
Lần đầu tiên, người giàu nhất nước Nga trong danh sách là ông Vagit Alekperov, đồng sở hữu công ty Lukoil với tài sản ước tính khoảng 28,6 tỷ USD, so với 20,5 tỷ USD một năm trước đó.
Tổng tài sản của tất cả các tỷ phú Nga trong danh sách đã tăng 14% trong năm, ở mức 576,8 tỷ USD, giảm so với mức đỉnh điểm năm 2021 là 606,2 tỷ USD.
PV (t/h)