Thông tin trên được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn tại Bộ Công Thương chiều nay.
Ngoài ra, "còn có hiện tượng làm giả các vật tư y tế như nước sát khuẩn. Nhiều đối tượng làm giả nước sát khuẩn bán trên mạng, bán giá bao nhiêu cũng có người mua", ông Trần Hữu Linh thông tin.
Ông Trần Hữu Linh cảnh báo có hiện tượng thu gom khẩu trang cũ đưa vào sử dụng (Ảnh: NA)
Trước tình hình này, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, nó sẽ trở thành một "đại hoạ" mới đối với người dân. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu sớm có báo cáo gửi Bộ Y tế để phối hợp, đưa ra giải pháp, tránh nguy cơ để kẻ xấu trục lợi.
Bộ trưởng Công Thương cũng giao Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng chủ động phối hợp cùng cơ quan QLTT để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử phạt các hành vi cạnh tranh kém lành mạnh.
Chưa bao giờ cơn sốt khẩu trang y tế lại như bây giờ. Tại thời điểm hiện tại, không phải cứ có tiền là mua được khẩu trang.
Tất nhiên đang mùa dịch, việc “cháy” khẩu trang là chuyện có thể xảy ra nhưng đằng sau câu chuyện này có rất nhiều vấn đề. Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, theo khuyến cáo của các cơ quan, chuyên gia y tế, khẩu trang là một trong những vật dụng để phòng dịch hiện nay. Nhà nhà, người người đổ xô đi mua khẩu trang, không chỉ mua để đủ dùng mà cả để tích trữ như vẫn thường thấy khi có dịch bệnh, mưa bão hay “cháy” một mặt hàng nào đó.
Vô tình người tiêu dùng cũng góp phần đẩy nhu cầu lên quá cao. Nhiều nhà thuốc đã nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, tăng giá khẩu trang lên chóng mặt, có nơi bán cao hơn giá trị thực tế đến hơn chục lần. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều nhà thuốc có thái độ “biểu tình” bằng cách không bán, hoặc đề biển “Không bán khẩu trang. Đừng hỏi”… dẫn đến việc khan hiếm khẩu trang như hiện nay.
Thái độ “chỏng lỏn” của nhiều cửa hàng thuốc khó có thể để mọi người nghĩ rằng, họ đang chia sẻ với lo lắng về dịch bệnh của đồng loại (Ảnh: IT)
Có nhiều lý giải được các nhà thuốc đưa ra, hàng họ nhập giá cao thì phải bán giá cao, giờ không cho họ bán giá cao thì họ không bán vì sẽ lỗ; hoặc họ không nhập hàng về bán nữa nên không có hàng… Khi họ không bán hàng nhưng có nhiều người hỏi quá nên họ phải trưng biển để đỡ phải trả lời nhiều.
Theo cơ quan chức năng, qua một tuần đã kiểm tra xử phạt 3.000 vụ việc, yêu cầu các nhà thuốc ký cam kết với quản lý thị trường, gắn với tuyên truyền vận động mới kiểm tra xử phạt. Các hành vi vi phạm chủ yếu là găm hàng, với phạt khung cao nhất; hành vi không niêm yết giá tại cửa hàng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác.
Số lượng hàng hóa (khẩu trang) được thu giữ, theo ông Linh, nếu đủ chất lượng và có hóa đơn, nhãn hàng hóa rõ ràng thì sẽ đưa vào lưu thông. Với khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, sẽ có trình tự xử lý nhanh với hàng hóa để sớm đưa vào lưu thông.
Ông Linh cũng cảnh báo hiện đang có tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình này để thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng, như khẩu trang y tế dùng một lần được thu lượm lại và bán lại; nước rửa tay cũng được làm giả, bán trên mạng rất nhiều.
Ông Đặng Hoàng An - thứ trưởng Bộ Công thương - cho biết đã gửi văn bản liên hệ các nhà sản xuất khẩu trang y tế tăng cường sản xuất, chỉ đạo hệ thống thương vụ tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang và hiện đã gửi thông tin tới 50 nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế trên thế giới để tăng cung ứng. Danh mục miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang cũng đang được xây dựng và sớm được ban hành.
Theo đó, ông yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang kháng khuẩn tăng cường tổ chức sản xuất, tiến hành hợp chuẩn hợp quy. Kết hợp nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối đưa hàng vào các siêu thị Vinmart, Saigon Co.op, Aeon…
"Nếu sản phẩm bị làm giả, tái sử dụng, vi phạm nguyên tắc an toàn, thì có thể gây nên những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân. Do đó, cần làm việc với Bộ Y tế có cơ chế tiêu hủy với khẩu trang đã qua sử dụng, quản lý chặt chẽ thị trường, đấu tranh mạnh mẽ việc găm hàng, trục lợi, đầu cơ, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, gắn với phối hợp với chính quyền địa phương" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ Công thương sẽ sớm thành lập Tổ công tác kiểm tra kiểm soát chấp hành quy định chung về đấu tranh chống đầu cơ găm hàng, tăng giá vật phẩm y tế, đặc biệt ở địa bàn có nguy cơ cao.
Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
Hải Đăng (T/h)