Cục Hàng không Việt Nam vừa thông tin đến các hãng hàng không trong nước yêu cầu chỉ được mở bán các chuyến bay cho giai đoạn từ 16-4 đã được cấp phép.
Việc ra văn bản này của Cục Hàng không xuất phát từ việc một số hãng hàng không như Vietjet Air, Bamboo Airways đã đăng tải thông tin về việc khai thác bình thường trở lại các đường bay nội địa từ 16-4, sau khi hết thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong bối cảnh lượng khách di chuyển hàng không tại Việt Nam chỉ còn 1-2% so với trước dịch Covid-19, các hãng đang đang sốt sắng bán vé bay không giới hạn số chuyến.
Cụ thể, Vietjet Air vừa cho phép hành khách đặt mua thẻ bay không giới hạn số chuyến. Khách bay khi mua thẻ từ hãng sẽ được miễn phí 100% giá vé gốc , miễn phí 15 kg hành lý ký gửi, 7 kg hành lý xách tay và không giới hạn số lần bay trên tất cả chuyến bay nội địa của hãng trong suốt thời hạn hiệu lực của thẻ.
Ngoài ra, hành khách vẫn sẽ phải thanh toán thêm các khoản thuế, phí và dịch vụ mua thêm nếu có nhu cầu. Hiện hãng bay đang đưa ra 2 mức thẻ với giá gần 9 triệu đồng, bay không giới hạn tới 30/9 và mức gần 17 triệu đồng, bay không giới hạn tới 31/3/2021.
Các hãng hàng không phải tung chiêu bán vé tháng để kích cầu tìm nguồn thu trong ngắn hạn.
Hãng hàng không Bamboo Airways cũng nhanh chóng ra mắt thẻ bay không giới hạn số chuyến với giá 9,8 triệu đồng. Hành khách sở hữu thẻ được miễn phí 100% giá vé gốc trên các đường bay nội địa của Bamboo Airways từ thời điểm mua thẻ tới ngày 28/10.
Hãng cũng tặng thêm ưu đãi miễn phí 20 kg hành lý ký gửi, 7 kg hành lý xách tay cho chủ thẻ nếu đặt mua trước ngày 5/5. Giống như thẻ bay của Vietjet Air, hành khách vẫn sẽ phải thanh toán thêm các khoản thuế, phí.
Phía Vietnam Airlines vẫn chưa đưa ra thông tin về thẻ bay tương tự.
Sau khi dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành hàng không, đặc biệt là lệnh dừng bay quốc tế cũng như chỉ khai thác vài chuyến trên trục bay nội địa, hàng trăm máy bay nằm “đắp chiếu” và các hãng hàng không đang đứng trước nỗi lo nguy cơ phá sản.
Theo đó, Vietnam Airlines được xem là có thiệt hại nặng nề nhất với hơn 100 máy bay tạm dừng khai thác, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc A350.
Vietnam Airlines cho biết nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho doanh nghiệp và các công ty con vay, ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỉ đồng. Mới đây, doanh nghiệp này đã phải bán bớt 5 chiếc máy bay trong đội bay và thoái vốn khỏi hãng bay Cambodia Angkor Air để xoay sở với tình hình hiện tại.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến hãng phải giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch. Chưa kể, khoảng 10.000 nhân viên của Vietnam Airlines sẽ phải ngừng việc. Trong số này, nhiều nhất là phi công và tiếp viên.
Tương tự, VietJet có 75 máy bay A320, A321, ước tính khoản tiền mà hãng phải trả có thể lên tới trên dưới 20 triệu USD/tháng. Với Bamboo Airways, sau hơn 1 năm có mặt trên thị trường, hãng có 3 chiếc B787, 7 chiếc A321, 11 chiếc A320 và 1 chiếc A319. Chi phí để Bamboo Airways duy trì hoạt động bộ máy chắc chắn không nhỏ.
PV