Qua loạt bài phân tích đăng tải trên các tạp chí uy tín, nhiều giáo sư, học giả quốc tế chia sẻ quan điểm cho rằng yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông hoàn toàn không dựa trên cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như luật pháp quốc tế.
Bác bỏ các luận điểm mà phía Trung Quốc đưa ra nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông, trong bài viết đăng trên tạp chí American Enterprise Institute mới đây, GS Bruce Jacobs (Australia) cho rằng các bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra rất “mơ hồ và vô căn cứ. Quốc gia này cố tình áp đặt, thậm chí ngụy tạo bằng chứng, “xuyên tạc và bóp méo” lịch sử nhằm hiện thực hóa tham vọng bành trướng lãnh thổ”.
Ngay trước thềm Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED) thường niên lần thứ sáu giữa Mỹ và Trung Quốc, diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 9 và 10/7, AP dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng những hành động gây hấn gần đây của Bắc Kinh khiến căng thẳng leo thang tại khu vực, đồng thời khẳng định “sự mù mờ của bản đồ đường chín đoạn đang gây rắc rối lớn”.
Cùng quan điểm trên, nhiều báo đã trích dẫn ý kiến của GS Eric Posner, Trường ĐH Chicago (Mỹ) khẳng định: “Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được một bằng chứng pháp lý chính thức nào cho yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở biển Đông, cho cái gọi là “đường lưỡi bò”, được thay đổi với các hình dáng khác nhau như phiên bản chín đoạn, 10 đoạn hoặc 11 đoạn”.
Chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông, chuyên gia Yann Roche trong bài viết đăng tải trên tạp chí Espace Politique (Pháp) cảnh báo, các hành động của Trung Quốc như hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, công bố bản đồ khổ dọc thể hiện yêu sách phi lý, ngang nhiên phô diễn khả năng sử dụng vũ lực để xác lập chủ quyền… đều nằm trong toan tính chiến lược của Bắc Kinh hòng qua mắt dư luận quốc tế.
Tờ Times of India (Ấn Độ) đăng ý kiến của ông SD Pradhan, Chủ tịch Ủy ban Tình báo, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để xác lập chủ quyền trong thời gian qua. Ông Pradhan cũng kêu gọi các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế cần có phản ứng mạnh mẽ và cứng rắn hơn đối với các hành động và mưu đồ xâm lấn của Trung Quốc.
Theo Thời Nay