Sáng 13/11, thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các ĐBQH tán thành cao chủ trương đầu tư đồng thời lưu ý, cần đánh giá kỹ lưỡng, lường trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh trong quá trình triển khai để có giải pháp phù hợp đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm. Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang. Ảnh quochoi.vn.

Về mục tiêu đầu tư, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

Về quy mô đầu tư, Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng... Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.

Các ý kiến ĐBQH đều tán thành cao chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và lý do đã được nêu tại Tờ trình số 767/TTr-CP. Đồng thời, nhấn mạnh, đây là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, tính khả thi, các ĐBQH cũng góp ý nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: Nguồn vốn cho Dự án; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án;...

Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành, thực tế vấn đề này cũng thường xảy ra ở nhiều dự án đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Ảnh quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Ảnh quochoi.vn.

Ngoài ra, nhu cầu dự án cần sử dụng lượng xi măng, sắt thép, cát rất lớn, trong thời gian dài, trong khi đó thời gian tới có nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công. Thực tế, việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cho thấy, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu, tuy nhiên nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiện khắc phục những tồn tại này để đảm bảo hoàn thành Dư án theo đúng kế hoạch đề ra.

Liên quan tới vấn đề công nghệ, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn và kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của Dự án để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài. Đồng thời, đề nghị cần quan tâm, thu hút được đầu tư tư nhân trong nước, nhằm vừa giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, có thể trực tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nội địa hoá ở mức tối đa. Từ đó, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài vừa có thể huy động nguồn lực toàn xã hội để giảm bớt sức ép cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đắk Nông cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn đầu tư cho Dự án. Theo đó, Chính phủ cần cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu. “Vốn bố trí từ ngân sách nhà nước, vốn vay (cả nước ngoài lẫn trong nước), vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và các nguồn khác là bao nhiêu? Để từ đó đánh giá khả năng trả nợ, sức chịu đựng của nền kinh tế?...”, đại biểu nêu vấn đề.

Ảnh internet.
Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần đánh giá kỹ, có giải pháp đối với khó khăn và phát sinh trong triển khai. Ảnh internet.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao và đồng tình với nhiều nhận định tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo đại biểu, cần đưa ra bức tranh tổng thể cả những mặt tích cực, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp và phương án phù hợp nhất đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát trong triển khai, đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá kỹ tác động chính sách thể hiện trong chủ trương đầu tư Dự án. Đồng thời, trong suốt quá trình thực hiện cần lưu ý giải pháp liên quan đến công nghệ thông tin phải là giải pháp xuyên suốt, quan trọng nhất trong tất cả các khâu, đáp ứng phát triển kinh tế số của ngành đường sắt;...

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị, Chính phủ quan tâm, chú trọng tới việc nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ không chỉ liên quan tới việc vận hành mà cả các dịch vụ phụ trợ khác, sự phát triển của các địa phương khi có tàu cao tốc đi qua;...

Tham gia góp ý vào dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề cung đường phù hợp; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án; thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho Dự án;...

PV (lược ghi)