Theo phương án đưa ra, điện sẽ được lấy từ Sóc Trăng, ra đến đảo Côn Sơn theo đường dây dài 23,1km trên bờ; cáp ngầm biển hơn 73km và cáp ngầm dưới đất 6,1km cùng với hệ thống trạm biến áp 110kV. Dự kiến hoàn thành năm 2025.

Ảnh minh họa, nguồn internet.
Ảnh minh họa, nguồn internet..

Khi có điện từ bờ, công suất cấp điện cho Côn Đảo năm 2025 khoảng 28,8MW, năm 2030 là 82,4MW và năm 2035 khoảng 95,8MW, cơ bản đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trên đảo.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương trước đó, EVN cho biết, chi phí đầu tư xây dựng dự án điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2025-2029 để cấp điện cho Côn Đảo ước tính 2,91 triệu USD/MW (trước VAT) và sau đó giảm về khoảng 2,71 triệu USD/MW kể từ năm 2030. Việc đầu tư điện gió có giá thành điện năng cao hơn nhiều so với đầu tư tuyến cáp ngầm vượt biển.

Theo tính toán, với chi phí đầu tư điện gió, mỗi kWh có giá thành lên tới 6.016 đồng. Nếu kết hợp với việc chạy dầu diesel, giá thành điện sẽ còn cao hơn nhiều. Trong đó, nếu tích hợp với công nghệ lưu trữ điện (công nghệ BESS), giá thành sản xuất 1 kWh điện gió sẽ là 7.476 đồng. Trường hợp, tích hợp cả BESS và chạy dầu diesel cho các giai đoạn công suất suy giảm, giá thành sẽ lên tới 8.705 đồng/kWh trong khi đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển thì giá thành điện năng sẽ là 2.142 đồng/kWh.

Trên cơ sở tăng trưởng phụ tải điện của Côn Đảo, Ban Quản lý dự án điện 3 đã đưa ra 5 phương án cấp điện: Phát triển nguồn nhiệt điện tại chỗ; phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió trên mặt đất; điện gió ngoài khơi; nguồn điện gió ngoài khơi kết hợp nguồn diesel và mặt trời hiện hữu; hoặc kết hợp với hệ thống lưu trữ điện; cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển.

Lê Pháp (T/h)