Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

EVNNPC - 50 năm khẳng định sứ mệnh cao cả

Ngày 6-10-1969, Công ty Điện lực, tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) hôm nay được thành lập theo Quyết định số 106/QĐ-TC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải tiến quản lý kinh tế, hoạt động theo cơ chế hạch toán kinh tế.

Công ty Điện lực ra đời, hoạt động với đầy đủ tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp nhà nước chuyên trách lĩnh vực điện. Đây là một bước chuyển quan trọng về cơ chế, nhằm tạo ra những bước phát triển mới gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của một ngành kinh tế quan trọng với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, là bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành điện lực Việt Nam.

Ngay từ ngày đầu thành lập, Công ty Điện lực được giao nhiệm vụ “Tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất, kế hoạch kinh doanh của Công ty do Bộ giao, đảm bảo hoàn thành kế hoạch một cách toàn diện, với năng suất cao; chất lượng tốt, giá thành hạ, kinh doanh có lãi” và “chỉ đạo trực tiếp và quản lý về mọi mặt các đơn vị sản xuất, phân phối, sửa chữa điện thuộc Công ty, tạo mọi điều kiện cho các đơn vị thành viên hoạt động sản xuất - kinh doanh thuận lợi theo đúng chế độ, thể lệ quản lý kinh tế của Nhà nước và của Bộ”. Nhiệm vụ này đã được thực hiện xuyên suốt trong quá trình phát triển của Công ty Điện lực trước đây và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ngày nay.

EVNNPC - 50 năm khẳng định sứ mệnh cao cảEVNNPC - 50 năm khẳng định sứ mệnh cao cả

Cùng với tiến trình phát triển lịch sử đất nước, kể từ khi được thành lập đến nay, EVNNPC đã trải qua một nửa thế kỷ hình thành và phát triển với bao thăng trầm, gian khó song cũng vô cùng oanh liệt, hào hùng. Quá trình hình thành và phát triển của EVNNPC gắn bó máu thịt với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, mỗi bước đi trong từng giai đoạn đều thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng.

Giữ vững dòng điện trong mọi tình huống

Những ngày đầu thành lập, trong bối cảnh quy mô nguồn điện và lưới điện rất nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, hơn nữa bị ảnh hưởng do chiến tranh tàn phá nên bị hư hỏng nhiều. Trước tình hình đó, Công ty Điện lực đã tập trung huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi khả năng, trí tuệ của tập thể cán bộ, công nhân viên, tranh thủ thời gian Đế quốc Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc để khôi phục sản xuất, củng cố quản lý, sắp xếp lại tổ chức, chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật để vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng mới và mở rộng nâng công suất nguồn và lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

Qua các đợt leo thang bắn phá miền Bắc của Đế quốc Mỹ, các cơ sở của Công ty Điện lực phải đương đầu với 1.634 trận đánh, những với tinh thần “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”, cán bộ, công nhân viên công ty điện lực vừa chiến đấu, vừa tổ chức sản xuất, khôi phục các cơ sở điện lực bị tàn phá, đảm bảo dòng điện vận hành liên tục.

Cuối năm 1973, đã đưa 12 lò hơi, 11 tổ máy vào vận hành nâng công suất từ 181MW khi tiếp nhận lên 231MW, phục hồi toàn bộ hệ thống lưới điện, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt đời sống cho nhân dân miền Bắc. Vì mục tiêu “Giữ vững dòng điện trong mọi tình huống”, 123 cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngành điện lực Việt Nam được chia thành 3 công ty điện lực quản lý tương ứng với 3 miền: Bắc - Trung - Nam là: Công ty Điện lực miền Bắc (tiền thân là Công ty Điện lực), Công ty Điện lực miền Trung và Công ty Điện lực miền Nam trực thuộc Bộ Điện và Than.

Thực hiện Kế hoạch 5 năm 1976-1980, Công ty Điện lực miền Bắc chủ trương khôi phục, củng cố hoàn chỉnh, mở rộng các cơ sở điện sẵn có ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội; xây dựng mới đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc; chỉ đạo việc khảo sát, thi công Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Cuối năm 1980, nguồn và lưới điện đáp ứng phụ tải của công nghiệp Trung ương tăng hơn 1,6 lần; công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần; bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng 1,2 lần so với năm 1976.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - Công trình trọng điểm an ninh quốc giaNhà máy Thủy điện Hòa Bình - Công trình trọng điểm an ninh quốc gia

Năm 1981, Bộ Điện lực được thành lập theo Nghị định số 170-CP ngày 23-4-1981 của Hội đồng Chính phủ. Theo Quyết định số 15ĐL1/TCCB ngày 9-5-1981, Công ty Điện lực miền Bắc được chuyển từ Bộ Điện và Than về trực thuộc Bộ Điện lực và đổi tên thành Công ty Điện lực 1. Các Sở quản lý phân phối điện khu vực được đổi thành các Sở Điện lực tỉnh, thành phố.

Thực hiện Nghị quyết số 149/CT thống nhất quản lý lưới điện quốc gia của Chính phủ, trong năm 1981, Công ty Điện lực 1 bắt đầu tiếp nhận các lưới điện và các tổ chức quản lý lưới điện đấu nối với lưới điện quốc gia như Thái Bình, Hải Dương, Hà Tuyên… và các lưới điện do các địa phương đang quản lý.

Năm 1987, Bộ Năng lượng được thành lập theo Nghị định số 47/HĐBT ngày 5-3-1987 của Hội đồng Bộ trưởng (trên cơ sở sáp nhập các Bộ Điện lực với Bộ Mỏ và Than), Công ty Điện lực 1 là đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Bộ Năng lượng. Đồng thời, tiếp tục tiếp nhận các tổ chức và lưới điện của các địa phương nằm ngoài hệ thống như: Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu và tiếp nhận hầu hết các tổ chức quản lý điện của các huyện ở miền Bắc.

Thành tựu nổi bật của giai đoạn này được mở đầu bằng sự kiện đưa 4 tổ máy (440MW) của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vào vận hành an toàn, bảo đảm ổn định cho hệ thống, nâng sản lượng điện lên hàng tỷ kWh (năm 1986 đạt sản lượng 2,759 tỷ kWh, tăng 7,06% so với năm 1985; năm 1987 đạt sản lượng 3,064 tỷ kWh; năm 1988 đạt sản lượng 3,870kWh…). Tháng 12-1988, tổ máy số 1 của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành an toàn và tháng 12-1994, công trình được hoàn thành với tổng công suất lắp máy 1.920MW, tăng thêm 20% sản lượng điện cho hệ thống điện miền Bắc.

Năm 1990, Công ty Điện lực 1 đã xây dựng để đưa điện vào miền Trung, giải quyết một phần tình trạng thiếu điện ở khu vực này. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 22 của BCH TW Đảng (Khóa VI), Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 110kV Thái Nguyên - Cao bằng, Mộc Châu - Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên và TBA 110kV Tuyên Quang, Tiên Yên… để đưa điện đến vùng sâu, vùng xa phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa miền núi.

Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ra đời, Công ty Điện lực 1 được chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam từ ngày1-4-1995. Chức năng quản lý Nhà nước về điện được chuyển giao về Bộ Công nghiệp và các Sở Công nghiệp tại các địa phương. Một số đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực 1, như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Sở Điện lực Hà Nội, Sở Truyền tải điện, Trung tâm Máy tính, Trung tâm Thông tin, Ban Quản lý Dự án lưới điện miền Bắc đã được tách ra khỏi Công ty Điện lực 1 về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Các Sở Điện lực tỉnh, thành phố được đổi tên thành Điện lực tỉnh. Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành vài trò sứ mệnh lịch sử của mình đó là về cơ bản đã xây dựng và hoàn thiện khép kín hệ thống điện miền Bắc Việt Nam, bàn giao nhiệm vụ phát điện và truyền tải cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam để chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện nhiệm vụ chuyên sâu về kinh doanh điện năng và phát triển lưới điện miền Bắc.

Giai đoạn từ năm 2000-2009, Công ty Điện lực 1 luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch, không ngừng phát triển hệ thống lưới điện phân phối, đảm bảo cung ứng điện với mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10,3%-13%.

Vượt khó, không ngừng lớn mạnh

Năm 2010, với sự ra đời của Tổng công ty Điện lực miền Bắc trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận trở lại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình. Tổng công ty Điện lực miền Bắc được tổ chức theo hình thức Công ty TNHH MTV và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con. Việc chuyển đổi mô hình đánh dấu một bước trưởng thành lớn trong sự phát triển của Tổng Công ty cả về lượng và chất, đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế.

Giai đoạn 2010-2014, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thực hiện các chương trình, mục tiêu lớn mà Đảng và Chính phủ giao, đó là  thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, trực tiếp bán điện đến các hộ dân, đảm bảo người dân được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ; thực hiện chương trình đưa điện đến các thôn bản, miền núi, biên giới và hải đảo phục vụ đời sống nhân dân góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm cấp điện cho các khu công nghiệp lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các công trình đảm bảo cấp điệnTập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các công trình đảm bảo cấp điện

Từ năm 2014-2018, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi, lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động và cho vay giảm; Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tổng cầu tăng chậm; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động còn lớn. Năm 2015 xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài gây quá tải trầm trọng hệ thống phân phối điện tại nhiều khu vực, nhu cầu sử dụng điện trong công nghiệp tăng cao đột xuất ở một số địa bàn Tổng công ty quản lý, tỷ giá hối đoái về cuối năm tăng cao làm tăng chênh lệch tỷ giá... Năm 2016, 2017, 2018 tăng trưởng điện khu vực miền Bắc ở mức cao, tình hình thiên tai, biến động bất thường của thời tiết, trong đó có nhiều cơn bão và mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện miền Bắc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và cung ứng điện cho khách hàng. Việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp khó khăn.

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước cũng như ngoài nước, Ban Lãnh đạo Tổng công ty đã luôn bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị để đưa ra những định hướng chung sát với thực tế, chỉ đạo kiên quyết, triệt để, kịp thời, toàn diện các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao, mang lại lợi nhuận cao.

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sản lượng điện công nghiệp giảm mạnh, EVNNPC điều hành phương thức vận hành lưới điện hợp lý, đưa ra các giải pháp kỹ thuật như: thay đổi kết cấu lưới điện nhằm giảm tình trạng quá tải cục bộ, hạn chế điện phát ngược về phía Trung Quốc, huy động và di chuyển hệ thống tụ bù hợp lý, chỉ đạo quyết liệt, kiểm soát và điều tiết tỷ trọng điện nhận theo 3 thời điểm để giảm tỷ trọng giờ cao điểm, tăng tỷ trọng giờ thấp điểm, vừa giảm chi phí mua điện vừa giúp san bằng đồ thị phụ tải của hệ thống. Thực hiện tốt việc thay đổi giá bán điện, tổ chức tuyên truyền chính sách giá điện của Nhà nước đến các khách hàng. Tập trung mọi nguồn lực để củng cố công tác SXKD, thay công tơ sau tiếp nhận, tăng cường công tác quản lý hệ thống đo đếm, vận hành hợp lý và có hiệu quả phương thức kết dây, huy động tối đa các hệ thống tụ bù...

Xác định tầm quan trọng của công tác đầu tư xây dựng phục vụ SXKD, tạo cơ sở phát triển khách hàng, tăng doanh thu và giá bán, trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, địa bàn kinh doanh rộng lớn với nhu cầu đầu tư cao, EVNNPC đã tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm vào các danh mục hiệu quả, có khả năng thu được lợi nhuận cao, như: chống quá tải lưới điện đặc biệt là lưới điện 110kV, cấp điện cho các khách hàng công nghiệp, cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận,….

Việc chỉ đạo các đơn vị liên tục cập nhật tình hình quy hoạch phát triển tại các địa phương để góp ý, có phương án điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống điện đã góp phần đảm bảo công tác ĐTXD đồng bộ với nhu cầu gia tăng phụ tải của các dự án đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả các công trình đầu tư xây dựng lưới điện.

Nhận thức được sự phát triển vững chắc của doanh nghiệp thì sự trong sạch, lành mạnh và ổn định về tài chính luôn là nhiệm vụ quan trọng, EVNNPC tập trung phân tích tài chính trong doanh nghiệp từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý cho từng thời kỳ để tăng doanh thu, giảm chi phí. Đồng thời, quản lý dòng tiền, đẩy mạnh việc thu hồi công nợ trong đó bao gồm cả công nợ bên ngoài và công nợ nội bộ, xác định chính xác giá trị đầu tư. Xác định và xử lý nhanh, đúng quy định các khoản nợ về khối lượng và tư vấn trong đầu tư xây dựng góp phần làm trong sạch tài chính, đồng thời giữ uy tín, nâng cao thương hiệu EVNNPC.

Trong năm 2014, để đảm bảo tiến độ các dự án mà vẫn tuân thủ các quy định về việc quản lý chất lượng công trình xây dựng, quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, EVNNPC, một mặt chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng hoàn tất các thủ tục với các cơ quan ban ngành theo đúng quy định, đồng thời, tiến hành thẩm định dự toán, thiết kế các dự án trong thời gian chờ kết quả phê duyệt của các cơ quan chức năng.

Giai đoạn 2014-2018, EVNNPC thực hiện “Tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn” và “Năng suất và hiệu quả”, “Đẩy mạnh Khoa học công nghệ”, chú trọng công tác quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng tầm thương hiệu. Theo đó, EVNNPC thành lập Ban chỉ đạo tối ưu hóa chi phí và các tiểu ban (Kỹ thuật - Vận hành; Kinh doanh điện năng; Đầu tư xây dựng; Tài chính - Vật tư). Các tiểu ban tối ưu hóa chi phí do các phó tổng giám đốc phụ trách làm trưởng tiểu ban chỉ đạo xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể các chỉ tiêu tối ưu hóa chi phí trong các lĩnh vực hoạt động tiểu ban phụ trách. Đồng thời, ban hành các quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ tối ưu hóa chi phí cụ thể cho các đơn vị thành viên.

Để nâng cao năng suất lao động, EVNNPC chỉ đạo rà soát, xây dựng lại định biên lao động của các đơn vị SXKD điện, sắp xếp lại số lao động theo công việc khoa học hơn, bố trí lại lao động, giảm thiểu tình trạng thừa - thiếu cục bộ đáp ứng yêu cầu thực tế trong điều kiện không tăng lao động; sắp xếp, bố trí lại lực lượng lao động gián tiếp để tiết kiệm lao động. Phân định rõ lực lượng lao động giữa các lĩnh vực SXKD để đảm bảo hiệu quả công việc. Cùng với việc sắp xếp lao động theo chiều hướng nâng cao năng suất lao động, EVNNPC triển khai thực hiện công tác hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện và kinh doanh bán điện…, nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ quản lý nhân sự trên máy tính (HRMS).

Năm 2015, trong các tháng cao điểm nắng nóng mùa khô (tháng 5, 6, 7), nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn đã tạo áp lực cung cấp điện rất lớn, tình hình quá tải thiết bị, tình trạng điện áp thấp trên lưới điện thường xuyên xảy ra, đặc biệt là quá tải các máy biến áp (MBA) phân phối và MBA 110kV. Trong khi đó, độ dự phòng của lưới điện truyền tải vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp điện ổn định. Để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, đảm bảo điện phục vụ cho các đợt tưới tiêu, các sự kiện chính trị - xã hội, các ngày lễ lớn, các kỳ thi..., EVNNPC đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h để đối phó, xử lý kịp thời với các tình huống quá tải cục bộ, sự cố, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, phối hợp với các đơn vị điều độ, truyền tải (A1, NPT) thay đổi kết dây, đảm bảo lưới điện truyền tải và lưới điện 110kV vận hành an toàn.

Góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn biên giới - hải đảo

EVNNPC là đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác điện nông thôn. Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn EVNNPC quản lý, số xã có điện đạt 99,2% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,89%. Hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới. Kết quả, đến hết năm 2015, EVNNPC đã cấp điện cho 3/3 huyện đảo trên địa bàn gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến khách hàng trên địa bàn huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho 6 tỉnh được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013), Bộ Công Thương đã phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt BCNCKT để EVN tiến hành đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

Góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn biên giới - hải đảoGóp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn biên giới - hải đảo

Năm 2016 có ý nghĩa quan trọng là năm mở đầu kế hoạch 5 năm 2016-2020, EVNNPC xác định rõ nhiệm vụ được giao, đồng thời đề ra những mục tiêu kế hoạch với yêu cầu cao hơn nhiều so với năm trước. Vượt qua những khó khăn thách thức về thiên tai bão lũ liên tục gây thiệt hại nặng nề, nhu cầu điện cho công nghiệp tăng cao đột xuất ở một số tỉnh, tỷ giá hối đoái tăng cao…, EVNNPC đã tích cực thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2016, đảm bảo cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc.

Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc, số xã có điện đạt 100% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,3%. Cùng với việc hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến đảo Cái Chiên và đảo Trần (thuộc tỉnh Quảng Ninh), đến nay, hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới - hải đảo.

 EVNNPC đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến các hộ dân. Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Lưới điện nông thôn từng bước được cải tạo, hành lang an toàn lưới điện được củng cố, nhận thức của nhân dân về an toàn điện được nâng cao; tình trạng điện áp thấp ở cuối nguồn đã được giải quyết, người dân nông thôn không phải đóng góp kinh phí để cải tạo lưới điện… Đã có 3.465 xã/tổng số 4.048 xã (86%) của EVNNPC đã đạt tiêu chí nông thôn mới về điện.

Liên tục trong nhiều năm, EVNNPC luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh và dịch vụ khách hàng do EVN giao. Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu về dịch vụ điện cho khách hàng, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, nâng cao chất chất lượng dịch vụ khách hàng, triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp nâng cao điện thương phẩm và giá bán điện, góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, EVNNPC triển khai các chương trình đổi mới về KD&DVKH, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình quan trọng, như: Triển khai hệ thống CMIS 3.0, triển khai cung cấp dịch vụ điện mức độ 4, cung cấp dịch vụ điện tại Trung tâm hành chính công của 15 tỉnh và trên cổng dịch vụ công trực tuyến của 12  tỉnh không có trung tâm hành chính công; triển khai lắp đặt công tơ điện tử giai đoạn 2016-2020 để nâng cao hiệu quả dịch vụ bán lẻ điện năng; triển khai thành công cơ chế một cửa liên thông trong việc cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; triển khai mua điện trên thị trường điện bán buôn cạnh tranh… Kết quả, các chỉ tiêu kinh doanh như điện thương phẩm, giá bán điện bình quân, tỷ lệ thu tiền đạt và vượt so với kế hoạch được giao; tổn thất điện năng giảm so với kế hoạch giao.

EVNNPC luôn là đơn vị có tốc độ tăng thương phẩm và doanh thu cao nhất trong EVN với mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm của các công ty điện lực tăng từ 12 đến hơn 14%. Sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 64,27 tỷ kWh với tốc độ tăng trưởng 12,1%, vượt 370 triệu kWh so với kế hoạch giao; sản lượng điện thương phẩm khối công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 65,02%, tăng trưởng 13,43% tương ứng 4,95 tỷ kWh; sản lượng điện thương phẩm khối quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 28,51%, tăng trưởng 8,19% tương ứng 1,4 tỷ kWh. Công tác quản lý áp giá bán điện thực hiện theo dõi và quản lý trên hệ thống máy tính đảm bảo việc quản lý giá điện chặt chẽ, khoa học và đúng thành phần. Giá bán điện bình quân hàng năm đều tăng (không tính tới yếu tố tăng giá do Nhà nước thay đổi giá bán điện).

Nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính

 Thủ tục cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp của ngành điện năm 2014 gồm 5 bước, thời gian giải quyết 36,89 ngày, đến năm 2018, EVNNPC rút ngắn còn 2 bước với thời gian giải quyết dưới 6 ngày, góp phần đưa chỉ số tiếp cận điện năng của EVN tăng 129 bậc, từ vị trí 156 lên vị trí 27, và là chỉ số có sự cải thiện tốt nhất năm 2018 trong các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt nam, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và xã hội, đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia ASEAN- 4, đạt mục tiêu đặt ra của Chính phủ đến 2020.

Trong xu thế phát triển hiện nay, việc nâng cao chất lượng các dịch vụ là chủ trương chung mà các doanh nghiệp cùng hướng tới. Theo đó, EVNNPC xác định việc cải cách hành chính trong công tác phục vụ các dịch vụ khách hàng là một trong những vấn đề trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng về chất lượng phục vụ các dịch vụ của ngành điện với phương châm “dễ tiếp cận - dễ tham gia - dễ giám sát”.

EVNNPC chỉ đạo các Công ty Điện lực báo cáo UBND tỉnh cho phép cung cấp dịch vụ điện tại các trung tâm hành chính công của tỉnh hoặc trên cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến. Đến tháng 12-2018, toàn bộ 15 tỉnh có trung tâm hành chính công trên địa bàn EVNNPC quản lý đã thực hiện việc tiếp nhận, cung cấp dịch vụ điện trực tiếp và 12 tỉnh chưa có trung tâm hành chính công, các công ty điện lực đã triển khai việc tiếp nhận, cung cấp dịch vụ điện trên cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến, hoàn thành 100% chỉ tiêu EVN giao. Trong năm 2018 đã tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng qua trung tâm hành chính công và cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến.

EVNNPC đồng thời triển khai cơ chế một cửa liên thông trong việc cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới trung áp theo Nghị quyết 19 của Chính Phủ; thực hiện 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng năm sau tốt hơn năm trước, thời gian trung bình giải quyết yêu cầu đều đạt so với quy định. Các công ty điện lực triển khai áp dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, như: Sử dụng máy tính bảng để phát triển khách hàng, ghi chỉ số và chấm xóa nợ, ký kết với các đối tác thu hộ tiền điện để nâng cao hiệu thanh toán tiền điện của khách hàng qua cổng thanh toán điện tử, ứng dụng hiệu quả chương trình nhắn tin chăm sóc khách hàng...

“Khách hàng là trung tâm”“Khách hàng là trung tâm”

Từ cuối năm 2015, EVNNPC đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Chăm sóc khách hàng với Tổng đài 19006769 hoạt động 24/7 để cung cấp thông tin và giải đáp, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc. Việc thành lập Trung tâm Chăm sóc khách hàng đảm bảo cho EVNNPC tiếp nhận các ý kiến, hỗ trợ khách hàng trong quá trình sử dụng điện, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng khi tiếp xúc với ngành điện cũng là một trong những thành công trong quá trình nỗ lực nâng cao chất lượng các dịch vụ điện. Trong thời gian hơn 3 năm, Trung tâm Chăm sóc khách hàng đã tiếp nhận 3.273.846  yêu cầu của khách hàng, các yêu cầu này đều được các đơn vị tiếp nhận và xử lý kịp thời. Năm 2018, sau khi đưa phần mềm chăm sóc khách hàng đa kênh và phần mềm tiếp nhận dịch vụ điện trực tuyến trên web, số lượng yêu cầu về cấp điện mới qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng tăng 4,66 lần so với cùng kỳ, đây là dịch vụ có số lượng tăng lớn nhất.

Hàng năm, các hoạt động tri ân khách hàng được các đơn vị triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng được cộng đồng và xã hội ghi nhận và đồng tình. Một số sự kiện, hoạt động, chương trình nổi bật trong tháng tri ân khách hàng, như: Tổ chức hơn 100 hội nghị tri ân khách hàng các cấp và hơn 30 hội nghị tổng kết gia đình tiết kiệm điện/năm; lựa chọn và thực hiện vệ sinh công nghiệp miễn phí công trình điện cho hơn 1.000 khách hàng lớn/năm; sửa chữa, thay mới đường dây, bóng đèn cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách cho hơn 5.000 hộ gia đình/năm, hơn 100 tuyến đường/năm; hỗ trợ nhân công miễn phí lắp đặt dây sau công tơ cho hơn 800 khách hàng/năm; sửa chữa thay thế thiết bị điện cho hơn 30 điểm trường khu vực khó khăn các tỉnh miền Bắc; tặng hơn 5.000 suất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hơn 200 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn/năm, tặng 5 nhà đại đoàn kết và nhà tình nghĩa cho 5 gia đình thuộc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; gửi hơn 5 triệu tin nhắn SMS, Zalo, thư điện tử và thư tri ân khách hàng nhân ngày truyền thống ngành điện 21-12; mỗi năm có hơn 3.000 CBCNV và người lao động EVNNPC đăng ký tham gia hiến máu Tuần lễ hồng...

 Năm 2015, EVNNPC thực hiện phát hành hóa đơn điện tử; năm 2017, đưa các dịch vụ điện trực tuyến vào hoạt động; năm 2018, đưa các dịch vụ thanh toán tương đương cấp độ 4. Tính đến hết tháng 9-2018, 27 công ty điện lực ở khu vực phía Bắc đã chuyển đổi, vận hành chính thức hệ thống CMIS 3.0, hoàn thiện hệ thống báo cáo và bổ sung chức năng phần mềm CRM, nâng cấp cổng thanh toán điện tử,  trang bị hệ thống dự phòng Tổng đài chăm sóc khách hàng, trang bị HSM và phần mềm quản lý chữ ký số nội bộ.

Thực hiện chương trình lan tỏa “Hành trình văn hoá EVNNPC” và “Khách hàng là trung tâm” đạt được những kết quả bước đầu, tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức, tư duy đổi mới và phong cách làm việc hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả của đông đảo CBCNV, tạo được sự thay đổi nhận thức và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở nhiều đơn vị.

Tính đến 31-12-2018, số huyện có điện 247/247 huyện, đạt tỷ lệ 100%; 5.032/5.032 xã có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100% và 7.773.928/7.898.983 hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 98.3%.

Riêng năm 2018, tiếp nhận 17 xã, cụm với 18.892 hộ; 325 km đường dây hạ thế (giá trị còn lại hơn 7 tỷ đồng); 754 công trình/hạng mục công trình với với giá trị là 534,6 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước theo Quyết định 41/QĐ-TTg; 31 công trình/hạng mục công trình trên địa bàn 11 tỉnh theo nguồn vốn NSNN được phân bổ thuộc chương trình 2081, với khối lượng đường dây trung áp và hạ áp là 276,3 km và 74 TBA, giá trị tạm hạch toán tăng là 368,48 tỷ đồng; triển khai 2 dự án cấp điện các thôn bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Lai Châu với tổng mức đầu tư là 58,63 tỷ đồng và triển khai 2 dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An, Lạng Sơn với tổng mức đầu tư là 37,96 tỷ đồng.

EVNNPC và các Công ty Điện lực thực hiện nghiêm túc việc tổ chức tiếp xúc đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri, sau các kỳ tiếp xúc thực hiện báo cáo đầy đủ, đúng quy định; tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho cán bộ kinh doanh về chương trình Đổi mới Kinh doanh - Dịch vụ khách hàng, các lớp đào tạo thị trường điện theo đúng kế hoạch và hoàn thành các chương trình trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng theo chủ đề hàng năm của EVN.

EVNNPC chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán và sử dụng điện, công tác kiểm toán năng lượng trong phạm vi quản lý; phát hiện và khắc phục kịp thời hệ thống đo đếm mua bán điện năng với khách hàng và đo đếm ranh giới đầu nguồn để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, EVNNPC đã nâng cấp “Phần mềm truy thu, thoái hoàn do hư hỏng sai lệch về đo đếm, bồi thường trộm cắp điện” hiện có thành “Phần mềm truy thu, thoái hoàn, bồi thường do hư hỏng sai lệch đo đếm, vi phạm sử dụng điện, vi phạm hợp đồng mua bán điện chạy trên nền web để sử dụng cho thiết bị di động” và đưa vào áp dụng trong toàn Tổng công ty từ đầu năm 2018.

Phần mềm mới được nâng cấp toàn diện đã hỗ trợ hệ thống kiểm tra giám sát mua bán điện thực hiện đầy đủ các chức năng cơ bản khi kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra sử dụng điện tại khách hàng từ khâu kiểm tra, lập biên bản, tính toán tại hiện trường vừa đảm bảo xử lý nhanh gọn, chính xác vừa giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại của các bên.

Trong các năm 2016, 2017 và 2018, tình hình cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Phụ tải trên địa bàn 27 tỉnh phía Bắc tăng trưởng mạnh, sản lượng ngày càng cao. Thông qua thực hiện các giải pháp tối ưu về mặt kỹ thuật, EVNNPC xử lý kịp thời với các tình huống quá tải cục bộ, sự cố, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân; phối hợp với các đơn vị điều độ, truyền tải thay đổi kết dây, đảm bảo lưới điện truyền tải và lưới điện 110kV vận hành an toàn. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị bị thiệt hại nặng nề của bão nỗ lực tập trung nguồn lực, có phương án tối ưu cấp điện cho các khách hàng (đặc biệt là tưới tiêu) để đạt được mục tiêu mặc dù mưa bão nhanh trên diện rộng nhưng gần như không ảnh hưởng đến kết quả thu hoạch của bà con nông dân trong khu vực.

Hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao

Từ năm 2012, EVN giao các chỉ tiêu độ tin cậy lưới điện cho EVNNPC để thay thế các chỉ tiêu về suất sự cố trên lưới điện phân phối, đánh giá đến thời điểm hiện tại trong công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến hết năm 2018, chỉ số độ tin cậy cung cấp điện của EVNNPC được cải thiện đáng kể so với các năm trước. Đến nay, EVNNPC đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao của EVN cũng như chỉ tiêu tối ưu hóa đã đề ra của EVNNPC về các chỉ số độ tin cậy trong các năm từ 2014-2018. Đây là những bước chuyển biến tích cực trong điều kiện địa hình miền Bắc đa dạng và phức tạp, khí hậu thường phải hứng chịu nhiều tác động xấu của thời tiết nên ảnh hưởng nhiều đến tình hình cung cấp điện chung của các đơn vị; hệ thống lưới điện phân phối ở miền Bắc hiện nay cũng còn nhiều bất cập, chưa có dự phòng, công nghệ còn lạc hậu, hiện nay trên cùng một địa bàn vẫn còn sử dụng nhiều cấp điện áp khác nhau (6kV; 10kV; 22kV; 35kV) nên khả năng cấp hỗ trợ không cao, mức độ tự động hóa tương đối hạn chế; thời gian xử lý cách ly sự cố theo quy trình cũng còn phụ thuộc  nhiều vào thời tiết cũng như thời gian triển khai lực lượng đi lại, di chuyển thao tác tại các thiết bị phân đoạn, khoảng cách và địa hình giữa điểm trực thao tác và các thiết bị cần phân vùng sự cố.

Việc thực hiện nâng cao chỉ số độ tin cậy lưới điện cũng gặp không ít khó khăn do các yếu tố khách quan từ các yếu tố tự nhiên như bão lũ, lốc xoáy, địa hình hiểm trở; nhu cầu tăng trưởng phụ tải nhanh, đặc biệt là tại các thành phố lớn, quy hoạch đô thị không đồng bộ với quy hoạch lưới điện… Xác định giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn tăng cường công tác quản lý và đầu tư chiều sâu để tăng cường an toàn của hệ thống điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Trong năm 2017 và 2018, EVNNPC thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp lưới điện, đẩy mạnh các lĩnh vực khoa học công nghệ trong mua sắm thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Từ năm 2014-2018, tình hình vận hành lưới điện gặp nhiều bất lợi, khó khăn, thời tiết nắng nóng, phụ tải tăng cao đã ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến tổn thất điện năng (TTĐN). Để giảm tổn thất, EVNNPC đã tính toán vận hành tối ưu lưới điện 110kV với việc đánh giá những thay đổi thực chất và nền tảng trong năm 2014 về công tác quản lý kỹ thuật hệ thống điện khi khai thác chương trình Smart-Simulator; thẩm định hiệu quả giảm TTĐN lưới điện 110kV khi thực hiện một số giải pháp: Dự báo tăng trưởng, phân tích đánh giá tình trạng vận hành HTĐ 110kV; giải pháp vận hành tối ưu và đánh giá hiệu quả giảm TTĐN; những vấn đề về lưới điện nhập khẩu và lắp đặt vận hành tụ bù cho lưới điện 110 kV và trung hạ áp. Kết quả, năm 2018, EVNNPC đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tôn thất điện năng EVN giao với tỉ lệ tổn thất điện năng/KH đạt 5,1/5,5%.

EVNNPC cũng thực hiện chương trình chống quá tải cho các đường dây và MBA 110kV thường xuyên mang tải cao và quá tải, trong các năm 2014-2018 đã thực hiện điều động các MBA 110kV để chống quá tải và vận hành tối ưu MBA giữa các trạm biến áp 110kV.

Lưới điện trung hạ áp còn tồn tại 04 cấp điện áp: 35, 22, 10 và 6kV, trong đó, lưới điện 35kV chiếm vai trò quan trọng trong cung cấp điện cho các công ty điện lực; lưới điện 22kV mới chủ yếu cung cấp cho khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu vực ven đô đông dân cư và các KCN. Tình hình mang tải của nhiều MBA phân phối trong ngày rất khác nhau, sự chênh lệch công suất giữa cao điểm và thấp điểm lên đến 50 - 60%  do biểu đồ phụ tải ngày tại nhiều khu vực rất xấu, đặc biệt là ở vùng nông thôn nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng lớn

Với đặc điểm tình hình mang tải lưới điện trung hạ thế, EVNNPC chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi báo cáo và lập kế hoạch chống quá tải lưới điện trung hạ áp hành năm để kịp thời thay thế điều chuyển các MBA và củng cố các đường dây mang tải cao, nhằm đảm bảo sự làm việc tin cậy cho thiết bị và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. Các đơn vị thuộc EVNNPC đã hoàn thiện hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường (đối với lưới phân phối) và đề án bảo vệ môi trường (đối với lưới điện 110 kV); đã có kho chứa chất thải nguy hại theo quy định, kho chứa chất thải có mái che, sàn chống thấm, có hệ thống rãnh hoặc khay, công tác thu gom vật liệu hỏng thải loại rơi vãi, các vật liệu thuộc danh mục nguồn chất thải nguy hại được bảo quản riêng từng khu vực, có biển báo tên vật liệu. Việc thanh lý vật tư có chứa chất thải đã đi vào quy củ.

EVNNPC thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm khắc phục các nguy cơ mất an toàn, hạn chế và không để xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan, các nội dung công việc trên lưới điện được gấp rút triển khai, công tác tuyên truyền được lồng ghép vào các hoạt động tập trung tại các đơn vị. Công tác kiểm tra hiện trường các cấp lãnh đạo, cán bộ an toàn quan tâm nên đã giảm thiểu được nhiều nguy cơ mất an toàn.

Vượt mưa lũ khắc phục lưới điệnVượt mưa lũ khắc phục lưới điện

Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai (mưa, bão, lũ...) được EVNNPC chỉ đạo và kiểm tra thường xuyên tới các đơn vị nên hạn chế được nhiều thiệt hại và sớm đưa lưới điện vào vận hành an toàn, ổn định đảm bảo sản xuất, an ninh, chính trị.

 Hàng năm, EVNNPC chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ các địa phương tổ chức thực hiện tập huấn kiến thức, kỹ năng cứu nạn cứu hộ cho lực lượng PCCC; đôn đốc các đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC), thực tập định kỳ phương án PCCC và thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác an toàn PCCC tại  các đơn vị. Qua đó, đã duy trì tốt các điều kiện đảm bảo an toàn cơ bản, phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động PCCC của các cơ sở và các quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai các biện pháp trong công tác huấn luyện, tuyên truyền như: Tổ chức huấn luyện định kỳ, huấn luyện truyền hình trực tuyến; duy trì kiểm soát công tác huấn luyện QTATĐ, tháng hành động về ATVSLĐ, Hội thi AVSV giỏi cấp Công ty và cấp Tổng công ty; phối hợp với các báo, Đài truyền hình tuyên truyền hội thi. Triển khai đẩy mạnh xây dựng văn hóa an toàn song song với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát công việc trên lưới điện thông qua phần mềm kiểm soát an toàn.

 Thực hiện cấn đối vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm và trung hạn, EVNNPC phân bổ hợp lý vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên, tập trung vốn các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết; chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các thủ tục vay vốn, lập dự án, sớm đưa công trình vào triển khai ; đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán các công trình; rà soát, đánh giá và sửa đổi, bổ sung quy chế phân cấp quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế…

Lịch sử dòng điện cách mạng đầu tiên được khởi đầu từ việc hình thành doanh nghiệp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mang tên: Công ty Điện lực (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc ngày nay), đồng thời cũng là tiền thân của ngành điện Việt Nam - EVN. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, dòng điện ấy được hun đúc từ truyền thống anh hùng và liên tục được nuôi dưỡng bởi dòng nhiệt huyết đầy sáng tạo qua các thế hệ. Kiên cường trong chiến tranh - Quyết liệt và sáng tạo trong đổi mới - Vững vàng trong hội nhập là những phẩm chất làm nên một EVNNPC gánh vác sứ mệnh lịch sử Đảng và Nhân dân tin cậy giao phó.

Kim Anh

Bài liên quan

Tin mới

KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất
KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất

Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA; thứ hai về lao động; thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại.

Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất
Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất

Chiều ngày 28/3, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa đá trên diện rộng kèm theo gió mạnh, gây thiệt hại đến hoa màu của nông dân. Nhiều vườn mận hậu ở Mộc Châu, quả non rụng la liệt trên mặt đất, lẫn với những viên đá to.

Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh
Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh

Ngày 28/3, tại Trung tâm Hành chính quận Dương Kinh, UBND quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng) tổ chức khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận. Tham dự chương trình có các đồng chí: Đào Văn Ninh, Bí thư Quận uỷ; Nguyễn Minh Phương, Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận; Vũ Bình Dương, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận; cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ quận và các phường trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo
Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo

Ngày 28/3, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng TP. Hải P tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc
UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc

Ngày 28/3, tại Trung tâm Báo chí Tocepo Đầm Thị Nại, đường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra buổi họp báo công bố Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề (UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh). Đây là Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.

Bộ Công Thương ban hành Công điện thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương ban hành Công điện thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.