THCL 77.956 cơ sở vi phạm, 32.060 tổ chức, cá nhân lạm dụng thuốc BVTV, kháng sinh, sử dụng chất cấm, vi phạm nghiêm trọng quy định ATTP đã dẫn đến khoảng 5.000 người ngộ độc, 35% người mắc bệnh ung thư, 23 người tử vong trong thời gian qua.
Đây là con số được chú ý trong Hội thảo “Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội.
Tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao: trên 5% mẫu rau kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vượt tiêu chuẩn cho phép; 2%-6% mẫu thịt có chứa chất cấm; 7% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn; trên 20% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 600 triệu người (chiếm 10%) dân số thế giới bị nhiễm độc và 420 nghìn người chết. Tại Việt Nam, bệnh về đường tiêu hóa đứng đầu trong nhóm bệnh nội khoa (lên đến gần 10% dân số), nhưng tình trạng bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng đáng báo động khi mỗi năm có khoảng 13.000 người mắc thì 8.000 người tử vong.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) khẳng định việc sử dụng các loại hóa chất công nghiệp dùng cho thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi là rất nguy hiểm. Các chất này chứa nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân…là những chất có thể gây tồn dư trên sản phẩm động vật, người tiêu dùng ăn vào tích tụ, là một trong những nguyên nhân gây ung thư.
Muốn làm tốt công tác đảm bảo ATTP, đưa ra các cách hạn chế những bệnh liên quan đến tiêu hóa thì cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân phải cùng đồng hành có trách nhiệm, thắt chặt việc đẩy mạnh vấn nạn về VSATTP. Làm sao “để đưa được sản phẩm đến tay NTD, thì khâu trọng tâm là nông sản phải sạch”, đúng như TS.Vũ Tuấn Anh – Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ.
Thanh Tâm