Cụ thể, theo số liệu NHNN công bố, tính đến cuối tháng 4-2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 170 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ 130 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 14 nghìn khách hàng với dư nợ xấp xỉ khoảng 29 nghìn tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho hơn 318 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng hơn 980 nghìn tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí một số TCTD đã hạ lãi suất tới 2,5% và hơn 4% cho khách hàng).

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đã tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng huy động kỳ hạn một năm. Đại diện Tập đoàn Kim Nam, ông Nguyễn Kim Hùng cho biết, có những công ty thuộc Kim Nam chưa rơi vào tình cảnh nợ xấu nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, công ty đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) như VietinBank, Vietcombank chủ động làm việc để giảm lãi suất cho những kỳ hạn dưới ba tháng, bốn tháng, năm tháng, trên sáu tháng với mức giảm tùy thuộc từng kỳ hạn, tối đa được 1,5%/năm so trước khi có Thông tư 01.

Ngoài ra, cũng có những công ty của Tập đoàn cũng bị ảnh hưởng trực tiếp do nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ thêm ba tháng. “Trong thời kỳ này, các NHTM cũng chủ động tiếp cận, đưa ra các khoản vay mới phù hợp với doanh nghiệp thời Covid, cắt giảm phí chuyển tiền (đến 70-80%), giảm chi phí giao dịch. Trong khó khăn, điều này rất quý”, ông Hùng nói.

Cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid, chuỗi cửa hàng bánh ngọt và đồ uống Paris Gateaux đã gần như phải đóng cửa hoàn toàn cả tháng nay. Không có doanh thu, hơn 500 lao động, cộng với khoản vay cả trăm tỷ đồng khiến cho bất cứ ai cũng không khỏi hoang mang. Nhưng trong lúc gian nan ấy, doanh nghiệp đã được nhận được đồng thời cả việc giãn nợ cùng với giảm lãi suất từ phía ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Paris Gateaux Việt Nam cho biết: “Các ngân hàng đã hỗ trợ chúng tôi rất kịp thời, họ chủ động phối hợp chúng tôi để triển khai các chính sách miễn giảm lãi suất rồi cơ cấu lại nợ phải nói là rất kịp thời, đúng vào lúc chúng tôi kiệt quệ, khó khăn nhất”.

Bên cạnh các chính sách giảm lãi suất, việc áp dụng công nghệ số để giải quyết nhanh các thủ tục, đề xuất của doanh nghiệp cũng được các ngân hàng triệt để thực hiện nhằm rút ngắn thời gian.

Ông Lê Xuân Vũ, đại diện Ngân hàng TMCP Quân Đội cho biết, quá trình khách hàng tiếp cận các thủ tục ngân hàng từ nộp đơn, hoàn thiện hồ sơ, thẩm định phê duyệt đều được ngân hàng thực hiện tự động. Khách hàng có thể nhận tiền trong thời gian nhanh chóng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng chia sẻ, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay một đến hai tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200 đến 300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.

“Chúng tôi rất thiện chí, phần lớn hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban Cơ cấu nợ giải quyết đến 400-500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp”, ông Tùng cho biết thêm.

Cũng theo chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, việc đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300 nghìn tỷ đồng mà các NHTM đang triển khai đòi hỏi thiện chí của cả người dân và doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng phải có thiện chí hợp tác với ngân hàng, chứng minh thiệt hại của mình để ngân hàng có căn cứ hỗ trợ.

“Các nước trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam. Chưa kể, gói hỗ trợ này là “tiền túi” của ngân hàng, chứ không phải là tiền ngân sách”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

 Việt Phong