Văn Khoa Nhà báo nghiệp dư bởi anh là cây bút “cứng cựa” trong lĩnh vực phân tích kinh tế, đặc biệt là chủ đề về ngân hàng
Văn Khoa - nhà báo nghiệp dư bởi anh là cây bút “cứng cựa” trong lĩnh vực phân tích kinh tế, đặc biệt là chủ đề về ngân hàng

Tháng 6. Nắng như đổ lửa tại miền Trung. Những cơn gió nhẹ từ biển thổi vào, không làm dịu đi sự khắc nghiệt của thời tiết mà người dân TP. biển Đà Nẵng đang gánh chịu.

Trong ánh nắng chói chang của một ngày đầu hè, thật thú vị khi chúng tôi gặp gỡ một người tại TP. Đà Nẵng mà tên tuổi thường được gắn với các bài viết trên báo chí với bút danh Văn Khoa.

Nghe anh chia sẻ về “nghề tay trái”, chúng tôi mới cảm thấy khâm phục về một con người tâm huyết, đầy trách nhiệm trong từng bài viết của mình. Câu chuyện viết báo, làm sách của Trương Văn Khoa, có sức cuốn hút đặc biệt, khiến chúng tôi quên đi cái nóng gần 40 độ vẫn đang bao trùm cả thành phố biển.

Hoạt động lĩnh vực ngân hàng nhưng… tâm hồn không chỉ những con số...

Là một người hoạt động kỳ cựu trong lĩnh vực ngân hàng, Trương Văn Khoa hiện giữ chức danh giám đốc của một chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP. Đà Nẵng. Sự cần mẫn, khoa học và trách nhiệm trong công tác, đã giúp anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm liền kề, để lại sự tôn trọng trong lòng đồng nghiệp với biệt danh “người của công việc”.

“Ngành ngân hàng thường gắn liền với con số kinh doanh, những phân tích, dự đoán về kinh tế, phải hoàn thành những chỉ đạo của cấp trên, thực hiện đúng nội dung từng văn bản, công văn của Ngành. Thế nhưng, trong khoảng khắc nào đó, đôi khi tâm hồn tôi lại hướng về những điều sâu lắng của cuộc đời này. Đam mê viết báo và nghệ thuật - là cách tôi chọn để cân bằng cảm xúc, đồng thời cảm nhận được những điều thú vị trong cuộc sống - vốn quá nhiều bề bộn và nỗi lo toan”, Văn Khoa mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Dù ở độ tuổi nào, anh vẫn luôn làm mới mình bởi những suy nghĩ trẻ trung cùng sự phá cách rất nghệ sỹ, anh không cho phép mình dừng lại, tự mãn với những gì đang có. Đam mê nghệ thuật - vốn đã ăn sâu vào tâm huyết từ khi anh còn là một chàng sinh viên thư sinh trên giảng đường đại học, tại TP. HCM. Niềm say mê ấy như duyên nợ. Và khi chưa viết một cái gì đó, anh cảm thấy như đang “mắc nợ” với báo chí, nghệ thuật và công chúng.

Văn Khoa và con gái (hiện đang làm việc ở Australia). Ảnh chụp tại thung lũng Yarra - thành phố Melbourne
Văn Khoa và con gái Nguyên đang làm việc ở Australia (Ảnh chụp tại thung lũng Yarra - thành phố Melbourne)

Sau thời gian dài ấp ủ và thai nghén, năm 2013, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã phát hành tập sách “Người tình trong những ca khúc” của tác giả Trương Văn Khoa. Cuốn sách ra đời, là tâm huyết cháy bỏng, dày công sưu tầm và tìm hiểu của anh trong một thời gian dài. Với góc nhìn đầy thi vị - “Người tình trong những ca khúc” - đã đem đến cho công chúng những câu chuyện vui, buồn một thời về Lê Trọng Nguyễn, La Hối, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Hoàng Dương, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Vũ Đức Sao Biển,.. hay những nhà thơ như Hữu Loan, Phạm Thiên Thư….

Trên tinh thần đó, tác giả nhận định, các nhạc sỹ đã “…cống hiến cho nền tân nhạc những viên ngọc quý, một thế giới ngà ngọc, thấp thoáng bóng người tình với những giai điệu yêu đương còn chảy mãi trong tâm thức của mọi người…”.

Văn Khoa một chuyến viếng thăm tại Australia
Văn Khoa một chuyến viếng thăm tại Australia

Thời gian sau đó, năm 2020, cuốn sách được hiệu chính, bổ sung và  tái bản với tựa sách “Những bóng hồng trong âm nhạc” - được đông đảo độc giả trong & ngoài nước hân hoan đón nhận, ủng hộ trong sự ngưỡng mộ bởi sự nghiên cứu sâu sắc, lối viết súc tích, hấp dẫn và lôi cuốn của tác giả.

Qua 14 bài viết “Những bóng hồng trong âm nhạc” đã cung cấp nhiều thông tin xung quanh bóng hình của giai nhân, người đã tạo nên cảm xúc, niềm yêu thương say đắm để các nhạc sỹ có thể sáng tác được những tình khúc “còn mãi với thời gian”.

Có được kết quả này, tác giả đã khai thác nhiều tư liệu, sưu tầm, chọn lọc rồi so sánh, đối chiếu, phân tích để chọn ra những cứ liệu nhằm đảm bảo yếu tố khách quan, chân thực của đối tượng tìm hiểu. Theo đó, cộng với năng lực cảm thụ âm nhạc của mình, Trương Văn Khoa đã lồng cảm xúc, ký ức của mình với những ca từ mượt mà, sâu lắng, làm cho chiều kích không gian của ca khúc thêm rộng mở, tạo gạch nối cho người đọc cảm thụ sâu hơn về những ca khúc được giới thiệu.

Điều đó, giúp người yêu nhạc hiểu rõ hơn về cuộc đời, thân phận, tài năng và tình yêu của các thế hệ nhạc sỹ tài hoa, khơi dậy trong lòng bạn đọc kỷ niệm một thời, những khoảnh khắc tưởng chừng đã ngủ quên cùng năm tháng.

Trương Văn Khoa và những trẻ em nghèo H'Mông
Trương Văn Khoa và những trẻ em nghèo H'Mông

 Đam mê báo chí… cái duyên, cái nghiệp…

Nói đến Trương Văn Khoa, sẽ thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến niềm đam mê viết báo đã được anh hun đúc, trải nghiệm qua hàng chục năm.

Anh chia sẻ: “Viết báo là công việc rất khó, viết để cho bạn đọc nhớ tên mình lại càng khó hơn. Cái tôi quan tâm đến viết báo một phần cũng vì đam mê, nhưng quan trọng hơn khi viết rồi, tôi thấy vui hơn bởi được nhiều bạn đọc đón nhận, công chúng quan tâm trong sự tin tưởng và đồng thuận, để lại trong lòng bạn đọc nhiều câu hỏi về những vấn đề “nóng” của xã hội hiện nay.

Người ta gọi Văn Khoa là "nhà báo nghiệp dư" - bởi anh là cây bút “cứng cựa” trong lĩnh vực phân tích kinh tế, đặc biệt là chủ đề về ngân hàng… Mỗi bài báo, Văn Khoa thường đào sâu vấn đề thời sự nóng bỏng, sử dụng ngôn từ đầy thuyết phục, rất chỉn chu. Khi đọc các tác phẩm của anh, độc giả luôn cảm nhận được sự mới lạ, sắc sảo và chuyên nghiệp.

Trong hoạt động báo giới, bạn đọc thường thấy bút danh Văn Khoa xuất hiện thường xuyên trên các báo, tạp chí: Công an Đà Nẵng, Tạp chí Non Nước, Khoa học & phát triển, Tuổi trẻ, Thanh niên, Du lịch, Vnexpress, Đô thị & Phát triển, Doanh nghiệp chủ nhật…

 Khi viết báo, Trương Văn Khoa đặt mình vào vị trí của một nhà báo đích thực, chứ không phải một giám đốc của một chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP. Đà Nẵng mà anh đang đảm nhận. Điều chúng ta bất ngờ là, Văn Khoa có sự thay đổi phong cách viết rất mới lạ, vừa viết về kinh tế, vừa viết về văn hóa, nghệ thuật, lĩnh vực nào, anh được bạn đọc đón nhận nhiệt tình.

Cho dù với con số khô khan, phép tính rắc rối, nhưng với lối viết ẩn dụ, các bài viết về ngân hàng của anh đầy hình tượng, lôi cuốn và hấp dẫn, được độc giả chờ đợi vì nội dung có liên quan đến “độ nóng” của nền kinh tế, giúp ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày của họ.

Ngược lại, khi viết về văn hóa, âm nhạc và nghệ thuật, những bài viết của anh lại thẩm thấu rất nhiều người bởi sự tinh tế, ướt át, cùng những câu từ mượt mà, đầy lắng đọng, khiến bạn đọc vô cùng thích thú, say mê, đắm chìm trong những hoài niệm của tuổi trẻ.

Đọc nhiều bài viết của Văn Khoa, người ta cứ tưởng rằng, tác giả chừng tuổi đôi mươi bởi sự trẻ trung, khát khao đến cháy bỏng và tâm hồn nhiệt huyết...

Trương Văn Khoa
Trương Văn Khoa người đam mê viết báo

Là một cây bút đa năng, lối viết của Văn Khoa sắc sảo, có sắc thái và đặc thù riêng biệt. Hàng trăm bài viết được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí, đã khẳng định tên tuổi, năng lực, uy tín và tính chuyên nghiệp của Văn Khoa. Dù rất bận rộn với công việc thường ngày, nhưng anh vẫn dành riêng cho mình một quỹ thời gian nhất định để cộng tác với các báo, tạp chí, đồng thời đầu tư cho những tập sách tiếp theo. Niềm đam mê ấy, dường như đã tạo động lực cho anh sống tự tin, cống hiến nhiều hơn trong sự nghiệp ngân hàng.

“Báo chí đã trở thành cái duyên trong cuộc đời, viết lách là niềm vui, sự cộng hưởng của những con chữ khiến người ta có những giây phút thăng hoa thật thú vị”, anh cười thoải mái và nói.

Trao đổi với Văn Khoa, chúng tôi khám phá ra những điều đặc biệt trong môt con người hoạt bát, dung dị và rất đời thường, cũng ngộ ra một điều rằng, khi đạt được sự lan tỏa, báo chí sẽ trở thành ma lực, cuốn hút và không thể nào dứt ra được.

Những tách trà đã cạn, quán cà phê nhộn nhịp khách thập phương hơn mọi lúc, vì TP. biển Đà Nẵng đang diễn ra những trận pháo hoa quốc tế đầy kịch tính, câu chuyện báo chí và văn chương cũng đến hồi kết.

Ngoài trời, ánh nắng chói chang, khắc nghiệt của miền Trung, đã nhường lại cho những cơn gió chiều mát mẻ.

Chia tay nhà báo nghiệp dư Trương Văn Khoa, chúng tôi cảm nhận được trong ánh mắt anh niềm tự hào về những gì anh đã đóng góp cho báo chí và văn hóa đọc của công chúng. Thoảng trong đầu là một ý nghĩ, báo chí cũng như một ly nước mát lạnh trong mùa hè cháy bỏng, khiến chúng ta thèm khát bất cứ lúc nào.

Và khi đã say mê rồi, nó sẽ giống như một chất gây nghiện, không thể nào dứt ra được trong suốt cuộc đời của mình...

Hoàng Hữu Quyết