Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Việc này giúp cơ quan, tổ chức xác định mức độ quan trọng của hệ thống thông tin; từ đó áp dụng tương ứng các biện pháp bảo vệ tổng thể, theo tiêu chuẩn quốc gia và bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thông tin mạng. Việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ cũng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị xác định hạng mục, giải pháp khi đầu tư, thuê, mua dịch vụ an toàn thông tin cho hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.

Tại kế hoạch hành động của Bộ TT&TT triển khai “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, tỷ lệ hệ thống thông tin cấp độ 3, 4, 5 của các bộ, ngành, địa phương được phân loại và bảo vệ theo cấp độ đã được xác định là 1 trong 7 chỉ tiêu quan trọng để thực hiện Chiến lược. Mục tiêu đặt ra là đưa tỷ lệ này đạt 80% trong năm 2023 và nâng lên 90%, 100% vào các năm 2024, 2025.

Theo số liệu trong báo cáo tình hình chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số đến tháng 7/2023, Bộ TT&TT cho hay, trên toàn quốc, tính đến giữa năm nay, số hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đã hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn là 1.949, đạt 63% tổng số hệ thống. Tỷ lệ này đã tăng gấp 2 lần so với tỷ lệ hồ sơ đề xuất đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ tính đến giữa năm 2022.

Để bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian tới, Bộ TT&TT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát an toàn hệ thống thông tin, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết, phòng tránh.

Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục có các văn bản cảnh báo cho các bộ, ngành, địa phương và các thành viên trong mạng lưới ứng cứu sự cố để đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.

Hà Trần