Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 117,000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 117,800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 117,700 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 117,800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 117,700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 117,700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 117,600 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 117,700 đồng/kg.
Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tăng 2,60 cent/lb, ở mức 242,50 cent/lb, giao tháng 12/2024 tăng 2,95 cent/lb, ở mức 241,00 cent/lb.
Giá cà phê thế giới được thúc đẩy bởi thông tin lạm phát của Hoa Kỳ giảm và sự mạnh lên của đồng Real Brazil. Việc đồng Real đạt mức cao nhất trong 4 tuần qua đã hạn chế hoạt động bán ra từ quốc gia này, cộng với việc các nhà đầu cơ liên tục thanh lý vị thế bán khống của mình, góp phần đẩy giá cà phê lên cao.
Ngoài ra, tồn kho cà phê arabica tiếp tục giảm, cho thấy nhu cầu tiêu thụ vẫn đang tăng.
Điều này còn được hỗ trợ bởi những thông tin về Quy định chống phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU), khi các lời kêu gọi liên tục được đưa ra đến quan chức Hội đồng châu Âu (EC), nhưng có vẻ như việc EUDR có hiệu lực từ 1/1/2025 tới sẽ không thay đổi.
Đây cũng là nỗi lo cho ngành cà phê Việt Nam. Bởi, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm khoảng hơn 40% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hằng năm.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu, năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 4,05 triệu tấn, trị giá 20,79 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cà phê ngoại khối lớn thứ hai cho EU, chỉ sau Brazil.
Cà phê Việt Nam xuất khẩu sang EU còn thuận lợi hơn kể từ khi Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020, giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần tại EU.
Đặc biệt, thuận lợi hơn cả với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê khi mức thuế nhập khẩu vào EU về 0% theo cam kết của Hiệp định EVFTA.
Năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 652 nghìn tấn, trị giá 1,66 tỷ USD.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng từ 14,85% năm 2022 lên 16,08% năm 2023. Nếu chỉ tính riêng tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối thì thị phần cà phê của Việt Nam tăng từ 21,69% năm 2022 lên 23,75% năm 2023.
Ở bức tranh rộng hơn, việc EU áp dụng EUDR rất có thể sẽ loại bỏ một lượng cà phê robusta của Việt Nam, gây áp lực lên nguồn cung toàn cầu, trong khi giá tại thị trường châu Âu sẽ tăng đột biến.
Phương Thảo(t/h)