Tại thị trường trong nước, giá cà phê thu mua ở các vùng trọng điểm vẫn giữ nguyên giá so với ngày hôm qua.
Theo đó, giá cà phê thu mua tại huyện Di Linh, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng giao dịch ở mức 39.100đ/kg.
Tại huyện Cư M’gar của tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở mức 40.100đ/kg, hai địa phương Ea H’leo và Buôn Hồ của tỉnh Đắk Lắk đều giao dịch quanh ngưỡng 40.000đ/kg.
Tương tự tại huyện Gia Nghĩa và Đắk R’lấp của tỉnh Đắk Nông lần lượt giao dịch ở mức 40.000đ/kg và 39.900đ/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá ca phê thu mua tại huyện Chư Prông là 40.000đ/kg. Tại Thành phố Pleiku và huyện La Grai đều thu mua ở mức 39.900đ/kg.
Cùng mức giá đó, tỉnh Kon Tum cũng giao dịch quanh ngưỡng 39.900đ/kg.
Trên thế giới, giá cà phê robusta tiếp nối đà tăng với mối lo nguồn cung Việt Nam bị trì trệ vì đại dịch covid-19 biến chủng mới, trong khi vẫn còn tình trạng khan hiếm container nghiêm trọng và chi phí vận chuyển cà phê ra cảng xuất khẩu tốn kém hơn.
Ghi nhận vào giờ đóng cửa phiên giao dịch tuần này, giá cà phê trên cả hai sàn tràn ngập màu xanh, các mức tăng rất mạnh, đặc biệt là robusta. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 tăng 24 USD (1,2%), giao dịch tại 2.018 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng tăng 26 USD (1,33%), lên 1.983 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng thấp.
Cùng thời điểm, giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng tiếp tục tăng mạnh. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 4,2 Cent (2,23%), giao dịch tại 192,2 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 4,1 Cent (2,15%), lên 194,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Theo dự báo, lượng tiêu thụ cà phê thế giới trong niên vụ 2020 - 2021 đạt 167,58 triệu bao, tăng 1,9% so với 164,43 triệu bao của niên vụ 2019 - 2020. Song, con số này vẫn thấp hơn 0,8% so với 168,5 triệu bao trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Với việc các hạn chế liên quan đến đại dịch đang được nới lỏng và triển vọng kinh tế tiếp tục đà hồi phục, tiêu dùng cà phê thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tính từ niên vụ cà phê 2010 - 2011 đến nay, tiêu thụ trên thế giới đã tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 1,7%/năm. Trong đó, tiêu dùng nội địa tại các quốc gia sản xuất và thị trường mới nổi đã đóng góp phần lớn vào kết quả này.
Trong niên vụ cà phê 2020 - 2021, tiêu thụ ở các nước nhập khẩu dự kiến sẽ tăng 2,3%, lên 117,1 triệu bao, trong khi tiêu thụ nội địa ở các nước xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 1% lên mức 50,5 triệu bao.
Cân đối cung cầu cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt do tổng cung được dự báo chỉ cao hơn 1,4% so với nhu cầu cà phê trong niên vụ 2020 - 2021, thấp hơn mức 3,2% trong niên vụ 2019 - 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng, việc sản lượng từ Brazil giảm đáng kể do ảnh hưởng của đợt băng giá và yếu tố khí hậu ở nhiều nước xuất khẩu khác có thể khiến đảo chiều cán cân cung cầu từ niên vụ cà phê 2021 - 2022.
Thành Nam