Hiện tượng El Nino tác động đến giá cao trên toàn cầu
Gạo hiện là nhu yếu phẩm với hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi, đóng góp 60% tổng năng lượng nạp vào mỗi ngày cho người dân ở hai khu vực này. Thậm chí, ở một số quốc gia như Bangladesh, tỷ lệ này lên tới 70%.
Trong tuần này, giá gạo 5% tấm của Thái Lan - đóng vai trò là giá tham chiếu tại châu Á - đã lên 648 USD một tấn, cao nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân là khô hạn đe dọa mùa màng ở Thái Lan và Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - cấm bán gạo ra nước ngoài để bảo vệ thị trường nội địa.
El Nino quay trở lại khiến nỗi lo thêm nghiêm trọng. Hiện tượng này có thể gây ra khô hạn, đe dọa mùa màng tại châu Á. Theo ông Peter Timmer – Giáo sư tại Đại học Harvard chia sẻ: "Giá gạo đang cao hơn so với thời điểm trước khi El Nino xuất hiện và chiến sự Nga – Ukraine leo thang". Ông dự báo giá có thể tăng thêm 100 USD một tấn trong 6-12 tháng tới.
Theo nhà kinh tế cấp cao của Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank tại Singapore Chua Hak Bin cho biết, rủi ro lớn nhất là liệu El Nino và biến đổi khí hậu có làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và đẩy lạm phát lương thực nói chung lên cao hơn hay không. Theo ông, điều này có thể kích hoạt nhiều chính sách bảo hộ hơn, bao gồm kiểm soát xuất khẩu, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và áp lực giá cả.
Giá gạo tăng gây sức ép lên hàng tỷ người
CNBC ngày 10/8 dẫn thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá gạo trên toàn cầu đã tăng chạm ngưỡng kỷ lục trong vòng 12 năm qua. Chỉ số giá gạo của FAO tháng 7/2023 tăng 2,8% lên 129,7 điểm, cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ tháng 9/2021.
Giá gạo trên đà tăng trong bối cảnh nguồn cung lương thực trên toàn cầu đối mặt nguy cơ thiếu hụt do điều kiện cực đoan ảnh hưởng đến mùa màng, tác động của các cuộc xung đột vũ trang. Thêm vào đó, một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% thương mại gạo - tháng trước cấm xuất khẩu một số loại gạo để đảm bảo tình hình nội địa. Việc giá gạo tăng làm dấy lên lo ngại chi phí lương thực sẽ đắt đỏ hơn, gây áp lực lên người thu nhập thấp.
Tại hội nghị quốc tế về hệ thống lương thực diễn ra cuối tháng 7/2023, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng từng cảnh báo, các hệ thống lương thực toàn cầu đang bị mất cân bằng khiến hàng tỷ người phải trả giá, bất chấp thực tế thế giới hiện nay đã phát triển hiện đại và nhiều người dân dư dả về vật chất. Ông trích dẫn các số liệu cho thấy hơn 780 triệu người trên khắp thế giới đang trong tình trạng thiếu lương thực, trong khi khoảng 30% lương thực trên thế giới vẫn bị lãng phí hoặc thất thoát.
Tại châu Phi, cuộc khủng hoảng lương thực đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, cứ trung bình 36 giây lại có một người chết đói ở Ethiopia, Kenya và Somalia. Gần 20 triệu người ở khu vực Sahel đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực.
Tại Burkina Faso, số trẻ vị thành niên phải điều trị do suy dinh dưỡng nghiêm trọng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Niger, hạn hán tái diễn và lũ lụt thảm khốc, kết hợp với bối cảnh chính trị bất ổn khiến sản lượng ngũ cốc giảm gần 40%.
Theo UNICEF, khoảng 430.000 trẻ em ở Niger bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, trong khi số phụ nữ mang thai hoặc cho con bú bị suy dinh dưỡng được dự đoán là khoảng 154.000 người trong năm nay, tăng mạnh so với mức 64.000 người năm 2022.
PV (T/h)