Giá lúa tăng, giảm ở một vài địa phương.

Theo số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tại Sóc Trăng, giá lúa có sự giảm giá so với tuần trước ở nhiều loại như: Đài thơm 8 còn ở mức 7.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; RVT giảm 300 đồng/kg, còn 7.800 đồng/kg; giảm mạnh 400 đồng/kg ở OM 5451 còn mức 7.500 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lúa ở Hậu Giang lại đi lên như: IR 50404 lên 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; với mức tăng tương tự OM 18 lên 7.800 đồng/kg. Riêng  RVT vẫn ổn định ở mức 8.400 đồng/kg.

Tại Tiền Giang, giá lúa tăng ở một số loại như: IR 50404 ở mức 7.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OC10 cũng lên 200 đồng/kg lên mức 6.800 đồng/kg. Riêng lúa Jasmine vẫn ở mức 7.200 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 7.500 đồng/kg.

Giá lúa tại Kiên Giang đi ngang ở nhiều loại như, IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 mức 6.700 đồng/kg; Jasmine mức 7.000 đồng/kg.

Giá lúa ST tại Bến Tre ở mức 8.200 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.200 đồng/kg. Riêng lúa OM 6979 ở Đồng Tháp tăng 100 đồng/kg, lên mức 7.800 đồng/kg.

sssssss
Giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất kể từ năm 2011. (Ảnh minh hoạ)

Còn, tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa Đài thơm 8 từ 6.900 – 7.100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.500 – 6.700 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 là từ 6.700 - 6.800 đồng/kg; riêng IR 50404 từ 6.700 - 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Nếp khô tại An Giang có giá từ 7.400 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô từ  7.700 – 7.900 đồng/kg.

Tính đến đầu tháng 7/2023, toàn tỉnh An Giang đã thu hoạch được 30.000 ha/228.750 ha vụ Hè Thu, năng suất đạt 5,75 tấn/ha. Ước cả vụ Hè Thu của An Giang sẽ đạt năng suất 6,1 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn. Vụ này, An Giang có 14 công ty, doanh nghiệp và công ty giống liên kết sản xuất và tiêu thụ với diện tích trên 145.500 ha, chiếm 63,58% diện tích kế hoạch xuống giống vụ Hè Thu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 13/7, các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch 435.629 ha lúa Hè Thu, chiếm 28% diện tích gieo trồng.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành như: Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa Vũng Tàu… cũng đã gieo sạ trên 253.600 ha lúa Thu Đông - Mùa.

Gạo xuất khẩu tăng cao nhất kể từ năm 2011

Về xuất khẩu trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 515-525 USD/tấn, tăng từ mức 510-513 USD/tấn của tuần trước, ghi nhận mức giá cao nhất kể từ năm 2011.

Theo một thương nhận tại TP HCM, thì nhu cầu đang dần mạnh hơn do nhiều quốc gia tăng cường dự trữ gạo để đối phó với tác động bất lợi của hiện tượng thời tiết El Nino dự kiến sắp xảy ra.

Vào ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại tẻ, sau nhiều đồn đoán bắt đầu từ tuần trước. Động thái này đã đẩy giá gạo tăng cao hơn, vì Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong tuần qua, giá gạo đồ 5% tấm của nước này vẫn giữ ổn định gần mức cao nhất trong 5 năm là từ 421- 428 USD/tấn.

Ngày 20/7, Ấn Độ đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo
Ngày 20/7, Ấn Độ đã chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo

Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu Satyam Balajee của Ấn Độ, Himanshu Agarwal, nói giá gạo Ấn Độ đã ở ngưỡng cao so với thị trường, dẫn đến nhu cầu yếu, mặc dù nguồn cung có xu hướng thu hẹp.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, BV Krishna Rao, nhận định những tin đồn về lệnh hạn chế xuất khẩu gạo đã dẫn tới tâm lý quan ngại trên thị trường, khiến người bán không muốn ký hợp đồng mới. Nhưng ông Rao cũng chia sẻ thêm hoạt động canh tác lúa ở Ấn Độ đã đạt được đà tăng trưởng, nhờ lượng mưa có được trong hai tuần qua.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đã tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021, từ mức 515 USD/tấn vào tuần trước, trong bối cảnh nhu cầu cao ổn định.

Hướng tới sản xuất an toàn gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm, tỉnh Đồng Tháp đã được cấp 355 mã số vùng trồng trên lúa với tổng diện tích 48.963 ha (chiếm 25% diện tích canh tác lúa). Diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hơn 6.000 ha; diện tích được chứng nhận VietGAP hơn 4.000 ha.

Đồng Tháp còn đặt mục tiêu đến năm 2025, cấp mã số vùng trồng lúa đạt 100% diện tích. Đa số nơi được cấp mã vùng trồng lúa có xu hướng dịch chuyển cơ cấu từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, nếp và tập trung trên một số nhóm giống chính, năng suất cao như: Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, Nàng hoa chín, nếp Long An IR 46-25. Tỷ lệ nhóm giống chất lượng cao đạt 69,6%.

Minh An(T/h)