Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục mới
Ngay từ đầu năm nay, các quốc gia như Phillippines, Indonesia, Malaysia… tăng cường dự trữ lương thực đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Cùng với đó, những loại gạo chất lượng cao của nước ta cũng đang tiến dần vào các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Australia… đã góp phần giúp xuất khẩu gạo cán mốc 4,3 triệu tấn, thu về hơn 2,3 tỷ USD, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gạo của nước ta nửa cuối năm 2023 có khả năng sẽ tiếp tục chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn.
Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.
Còn theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, năm nay, các doanh nghiệp gạo không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm, nước ta đang có cơ hội lớn, nhu cầu của thị trường thế giới vẫn ở mức cao, điển hình như Indonesia dự kiến mở thầu 300.000 tấn gạo trong thời gian tới. Do vậy, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao vào giai đoạn cuối năm.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia tăng mạnh, tuy nhiên nguồn cung toàn cầu đang có xu hướng giảm khi Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu các loại gạo. Hãng tin Bloomberg cho biết nếu kế hoạch của Ấn Độ được thực hiện, giá lương thực toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong bối cảnh hiện tượng El Niño quay trở lại và đe dọa tới mùa màng.
Cơ hội đã đến nhưng các doanh nghiệp lo lắng không nắm bắt được vì những rào cản về vốn và tín dụng.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Lộc Trời cho biết vụ Đông Xuân doanh nghiệp cần đầu tư 10.000 tỷ đồng để thu mua gạo cho nông dân nhưng nay mới mua được khoảng 6.000 tỷ đồng vì thiếu vốn.
Với tình hình hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời cần khoảng 1 tỷ USD mới đảm bảo nguồn vốn tiêu thụ hàng hóa, tuy nhiên doanh nghiệp không có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận vốn rất khó khăn. Mặt khác với mức lãi suất cao như hiện nay, cho dù doanh nghiệp có vay được tiền cũng khó có lợi nhuận.
Thực tế trong quý I/2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần nhích nhẹ 5% lên 2.452 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn tăng 22% và chi phí lãi vay gấp 2,7 lần quý I/2022 đã khiến doanh nghiệp này ghi nhận lỗ hơn 81 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 lãi 184 tỷ đồng.
Vay vốn ngắn hạn đã khó khăn, câu chuyện tiếp cận những nguồn vốn dài hạn cho đầu tư nhà máy chế biến chất lượng lại càng khó khả thi với nhiều doanh nghiệp gạo.
Ông Nguyễn Duy Thuận cho biết Lộc Trời nhận được một đơn hàng lớn về cho sản phẩm cám chiết ly (hiện mới chiếm tỷ trọng 0,03% trong sản phẩm cám của Việt Nam) dùng trong chế biến thức ăn gia súc hay các đơn hàng bột gạo không chứa gluten ở thị trường châu Âu...
Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải bỏ ngỏ những cơ hội này vì chưa có nhà máy chế biến sản phẩm từ gạo và các phụ phẩm như trấu, tấm, cám...
Để đầu tư một nhà máy chế biến công nghệ cao, Lộc Trời cần khoảng 400 triệu USD, tuy nhiên vay được nguồn vốn cho đầu tư dài hạn không phải là điều dễ dàng.
Ông Nguyễn Duy Thuận khẳng định đã nhìn thấy tiềm năng của các sản phẩm chế biến sâu nhưng doanh nghiệp cũng “lực bất tòng tâm”, tiền mua gạo cho nông dân chưa đủ, doanh nghiệp càng không dám mang nguồn vốn ít ỏi đem đầu tư nhà máy.
Khó tiếp cận vốn, gồng mình gánh lãi suất cao không phải câu chuyện riêng của Lộc Trời. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long cũng khẳng định lãi suất cao đang là rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói chung.
“Lãi suất có thời điểm lên tới hơn 10%, doanh nghiệp rất rón rén trong mùa cao điểm thu mua lúa và phải có hợp đồng giá tốt mới dám vay. Nếu lãi suất hợp lý thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn”, ông Trương Sỹ Bá nói.
Một bất cập khác cũng được Chủ tịch Tập đoàn Tân Long chỉ ra là các doanh nghiệp lúa gạo hiện chủ yếu được vay vốn ngắn hạn, còn các khoản vốn trung – dài hạn thì khá hạn chế.
Đề nghị xem xét cho doanh nghiệp vay vốn không tài sản đảm bảo
Có thể nói, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vấn đề vốn, tín dụng. Do đó, bà Bùi Thị Thanh Tâm kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ, đặc biệt trong các tháng 2,3,4, đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch VFA cũng cho rằng NHNN cần tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo vào mùa cao điểm dựa vào kết quả thẩm định quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn ông Trương Sỹ Bá đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cân đối chính sách ưu đãi cho đầu tư trung - dài hạn cho doanh nghiệp có thể cải thiện hệ thống sấy sau thu hoạch, xây dựng nhà máy và phát triển chiến lược chuỗi giá trị tuần hoàn của ngành lúa gạo.
Phía NHNN khẳng định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo luôn là đối tượng ưu tiên về vốn và tín dụng của NHNN.
Theo quy định hiện hành, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam, nhưng không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ (hiện khoảng 4%).
Hay NHNN cũng có chính sách cho vay không tài sản đảm bảo từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; khuyến khích cho vay sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao, giải ngân tới 70-80% giá trị phương án...
Đại diện NHNN cho biết ngành ngân hàng vẫn bám sát tình hình thị trường và có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo vào mùa cao điểm.
Điển hình như trong tháng 3 vừa qua, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt vụ thu hoạch Đông Xuân trong những tháng đầu năm 2023.
Các giải pháp như đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền, mức độ tín nhiệm khách hàng... đều được chú trọng.
Trước những ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định các thị trường đang tăng cường thu mua và dự trữ, doanh nghiệp không nên bỏ lỡ cơ hội. Trước mắt là cơ hội đến từ mảng gạo, sau này sẽ mở rộng thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng.
Do vậy, doanh nghiệp cần xác định chiến lược ngắn và dài hạn, làm việc với ngân hàng từ trước, đừng đợi tới mùa thu hoạch mới đi vay.
Phía Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Bộ Công Thương, NHNN, các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng cùng tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xuất khẩu gạo, giúp doanh nghiệp tận dụng thời cơ và hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4 tỷ USD trong năm 2023.
Hồng Nhung (T/h)