Tại khu vực miền Bắc, thị trường heo hơi không ghi nhận thay đổi mới về giá trong ngày đầu tuần. Theo đó, thương lái tại Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ và Hà Nam hiện đang cùng thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực là 56.000 đồng/kg.
Các tỉnh thành còn lại tiếp tục neo ở mức 57.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng đứng yên trên diện rộng. Trong đó, mức giá thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Bình Định là 51.000 đồng/kg.
Ba tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Đắk Lắk hiện đang cùng thu mua với giá 53.000 đồng/kg. Thương lái tại các tỉnh còn lại giao dịch ổn định quanh mốc trung bình là 55.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 51.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo hơi đi ngang so với phiên cuối tuần. Cụ thể, tỉnh An Giang tiếp tục neo tại ngưỡng 58.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Thấp hơn một giá ở mức 57.000 đồng/kg gồm có các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long. Các tỉnh thành còn lại thu mua heo hơi ổn định trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg.
Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 53.000 - 58.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận tại các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi một số các tỉnh miền Bắc, giá các loại sản phẩm này tiếp tục tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/bao với tháng Tư, theo báo Đồng Tháp.
Cụ thể, giá thức ăn dành cho heo thịt dao động từ 355.000 - 400.000 đồng/bao 25kg, tăng 10.000 đồng; bột cám, bột ngô lần lượt có giá 8.600 đồng/kg và 9.200 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg.
Tính từ đầu 2022 đến giờ, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30.000 - 40.000 đồng/bao. Ví dụ như đầu năm 1 bao 25kg có giá 320.000 đồng/bao thì giờ tăng lên 360.000 đồng/bao.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc giá thức ăn chăn nuôi tăng “nóng” là do các nhà sản xuất báo nguồn nguyên liệu khan hiếm cộng thêm chi phí vận chuyển không ngừng đội lên nên giá thành phẩm tăng theo.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong năm 2022 đến từ nhiều nguyên nhân như khủng hoảng thị trường ngũ cốc toàn cầu do chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nguồn cung cấp ngũ cốc không ổn định do sản lượng cây trồng ở Nam Mỹ thấp, giá dầu tăng cao dẫn đến chi phí vận chuyển tăng theo.
Để cắt giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi cũng như các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể lựa chọn các thành phần thức ăn thay thế, thay thế các thành phần thức ăn tốn kém, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đơn vị có thể tối ưu hóa cơ sở dữ liệu từ nguyên liệu thô để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, ví dụ như đậu nành khô, huyết tương động vật khô dạng phun, bột huyết dạng phun, bột cá, gluten lúa mì, ngô, lúa mạch và các nguyên liệu phụ từ thịt khác.
Trúc Mai