Trao đổi với PV, ông Khiêm cho biết, sau khi tốt nghiệp THCS, ông được vào học trung cấp chuyên nghiệp chính quy 3 năm (hệ 9+3) tại Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên (chuyên ngành hạch toán, kế toán xí nghiệp lâm nghiệp). Đến năm 1988, ở huyện có lớp học bổ túc văn hóa, ông đã tham gia nhưng do có bằng trung cấp chuyên nghiệp rồi nên không tham gia thi tốt nghiệp. Sau đó, ông dùng bằng này để học hệ đại học. Hiện giờ, ông đã có chứng chỉ cao cấp lý luận chính trị, với nhiệm vụ đang đảm nhiệm là Phó chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Gia Lai: Đi thi tốt nghiệp THPT ở tuổi 54, phó chánh thanh tra sở nói gì? - Hình 1

Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai cho biết, lãnh đạo đã yêu cầu giải trình về việc đi thiTHPT quốc gia 2018 ở tuổi 54

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường hợp người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT, nếu đã học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa chương trình giáo dục THPT hoặc trong chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (dành cho đối tượng đã có bằng tốt nghiệp THCS), thì bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp được sử dụng thay cho bằng tốt nghiệp THPT để học lên cao hoặc cho nhu cầu tuyển dụng.

Ông nói thêm, năm 2017, Tỉnh ủy có yêu cầu rà soát, bổ túc lại bằng cấp 3 của CBCNVC. Vì thấy mình thiếu bằng THPT nên ông đăng ký thi để bổ sung bằng, hoàn thiện cho đầy đủ bằng cấp, cũng như rèn lại trí nhớ và nâng thêm sự hiểu biết. Chứ thật ra, bằng cấp của ông như vậy đã đủ rồi.

Gia Lai: Đi thi tốt nghiệp THPT ở tuổi 54, phó chánh thanh tra sở nói gì? - Hình 2

Văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về trường hợp đã có bằng TCCN nhưng chưa tốt nghiệp THPTtrong tuyển dụng, học lên cao

Được hỏi về vấn đề "đi thi, ông có báo cáo lên lãnh đạo Sở hay không?", ông cho biết: “Thời gian này, tôi xin nghỉ phép để giải quyết việc gia đình, nên không xin, vì đây là chuyện cá nhân. Lãnh đạo yêu cầu tôi giải trình, nói rõ tại sao mục đích của mình đi thi là gì... Cái này là tôi sai, tôi đã nhận lỗi trước cơ quan và sẽ làm giải trình, lý do, mục đích để bổ sung cái bằng và hồ sơ…”.

Khi nói về quá trình ôn thi của mình, ông cũng cho biết, ngay sau khi ăn Tết Nguyên đán xong, ông liền sắp xếp thời gian để vừa hoàn thành tốt công việc của mình đang làm, vừa ôn thi tốt nghiệp.

Ông nói: “Tôi thi 4 môn gồm Toán, Ngữ Văn, Sử và Địa, ở điểm trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Ia Grai-Gia Lai). Con, cháu chính là người động viên, chỉ cho tôi học, cái gì không biết thì tôi hỏi, vì kiến thức bây giờ khác với trước đây nhiều quá… Nói chung, mình lớn tuổi rồi nên học hành vất vả, nhưng mình thấy đam mê. Bây giờ, đậu thì tốt, không đậu sang năm mình thi tiếp. Chuyện thi cử, đậu với rớt là chuyện bình thường, mà trong đó mình lại là người lớn tuổi nữa, có gì đâu mà”.

Một số báo đưa nhiều thông tin về ông trong lúc đang thi, chưa rõ thực hư ra sao, nhưng đã có nhiều bình luận, chỉ trích ông là Phó chánh Thanh tra mà lại không có bằng cấp 3. Bản thân ông, thật sự thấy buồn và không hài lòng, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý khi ông vẫn còn một buổi thi nữa.

“Sự thật của tôi nó là như vậy, đến giờ này rồi mà tôi vẫn cố gắng, vận động để làm những điều mà không ai làm như thế, thì báo chí cũng phải làm sao đó để động viên tôi, cho tôi có nghị lực để bước vào kỳ thi. Khi báo chí đăng tin lên vào ngày 26/6, cả đêm tôi đã không ngủ được, bài thi hôm sau của tôi cũng bị ảnh hưởng. Thí sinh người ta đang thi, tại sao không để người ta thi xong rồi xác minh, làm rõ đúng, sai thế nào lại lên báo sau, đừng để người ta bị chi phối…!”, ông giãi bày.

Ông cho rằng, chuyện học hành bản thân chẳng thấy xấu hổ với ai cả. Đồng thời, nhấn mạnh: “Quy định về bằng cấp đối với cán bộ quản lý, cấp phòng, tất cả mọi chứng chỉ là tôi đủ hết, chỉ có duy nhất là bây giờ thay đổi, yêu cầu có bằng cấp 3  thì tôi phải bổ sung thôi. Mấy năm nữa tôi cũng về hưu rồi. Tôi muốn thể hiện mình, làm sao đó để mình hội đủ điều kiện, không để thiếu. Học không bao giờ là thừa cả, nếu năm nay tôi không đậu thì sang năm tôi lại thi tiếp”...

Kim Yến