Giữa năm 2016, Công ty TNHH Tuấn Đại An (địa chỉ số 38 Lý Nam Đế, TP Pleiku, Gia Lai) đã xuống gặp những người nông dân ở xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) quảng cáo về giống chanh dây mới (ươm từ hạt, không phải giống ghép truyền thống).
Để người nông dân tin tưởng, công ty đưa ra các ưu đãi như: Cho nợ 50% tiền giống, phân bón và sẽ trừ khi chanh dây thu hoạch. Công ty cũng ký hợp đồng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Nội dung hợp đồng này nêu rõ, công ty có trách nhiệm thu mua sản phẩm cho dân… Khi cây xuống giống mà trong vòng 4 tháng không thấy đậu bông, thì công ty có trách nhiệm thay thế cây khác cho dân…
Nhiều nông dân đang rơi vào cảnh khó khăn khi trồng chanh dây xanh tốt mà không cho thu hoạch
Ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch Hội nông dân xã Ia Blứ cho biết, với những lời “đường mật” Công ty TNHH Tuấn Đại An đã “dụ” được khoảng 60 hộ trên địa bàn xã trồng giống chanh dây của công ty. Trồng đã 8 tháng nay nhưng chanh dây không thấy quả đâu mà toàn thấy lá. Trong cam kết, 4 tháng chanh dây không có đậu bông thì công ty phải thay thế giống khác. Tuy nhiên, ban đầu khi người dân gọi lên phản ánh, công ty có cử người về được 1 lần, nhưng đến nay thì không còn liên lạc được nữa.
Loay hoay giữa cái nắng để chặt bỏ vườn chanh dây, ông Trần Đình Sơn (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) ngậm ngùi: Thật là “họa vô đơn chí”. Trước đây, vườn này trồng tiêu, tuy nhiên dịch bệnh khiến tiêu chết hết. Thấy có công ty về giới thiệu cây trồng mới, hứa hẹn bao tiêu sản phẩm nên tôi mới bàn với vợ trồng. Vay mượn được 200 triệu đồng, tôi quyết định trồng 2 ha, giờ không có quả nên chặt bỏ. Chỉ mình tôi còn gắng gượng ra để làm, còn vợ tôi đã suy sụp hẳn.
Người dân xã Ia Blứ chặt bỏ chanh dây không có quả
Phần lớn những hộ dân trước đây trồng tiêu, nhưng do sâu bệnh nên chuyển sang chanh dây. Chanh dây như một cây cứu cánh trong lúc khó khăn khi tiêu chết, nhưng giờ nó đang khiến người dân ở đây đã khó càng thêm khó.
Ông Lê Đầu, Trưởng thôn Lương Hà (xã Ia Blứ) cho biết, phần lớn người dân khi "dính" phải chanh dây không quả cũng muốn chuyển qua giống mới, hoặc cây trồng khác nhưng đã hết vốn đầu tư. Công ty ban đầu cũng thừa nhận với dân là chanh dây không có quả, hứa sẽ bù lại giống mới, nhưng giờ lại “lặn mất tăm”.
“Hiện có khoảng hơn 1 nửa số hộ trong thôn trồng chanh dây của Công ty Đại An vẫn để vườn như vậy vì không có vốn để đầu tư tiếp sang giống khác. Những hộ dân khác đã chặt bỏ chanh dây chuyển sang giống chanh dây khác. Không hiểu sao, họ lại có thể lừa được những người dân đang lâm vào cảnh khốn khó này?
Theo địa chỉ ghi trong hợp đồng, PV tìm đến địa chỉ Công ty TNHH Tuấn Đại An tại số 38 Lý Nam Đế, TP. Pleiku. Tại đây, căn nhà này đã khóa trái cửa, gọi vào số điện thoại không có tín hiệu. Phía ngoài vẫn còn treo bảng hiệu Công ty Tuấn Đại An, nhưng không phải chuyên về nông nghiệp mà là “Nhận vận chuyển hàng hóa”. Chủ căn nhà này cho biết, công ty đã đóng cửa từ nhiều tháng nay.
Hàng tấn bí đao cũng chất đống chờ thối rữa
Trước đó, người dân xã Ia Glai (huyện Chư Sê) như ngồi trên đống lửa khi hàng chục tấn bí xanh và bí đỏ Nhật Bản chín rộ đã đến kỳ thu hoạch nhưng không được thu mua, hàng nghìn quả bí đang dần bị thối rửa ngoài rẫy.
Cách đây khoảng 6 tháng, Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên cũng đến thuyết phục người dân trồng bí. Để tạo niềm tin, công ty cũng đã ký hợp đồng hẳn hoi với người dân. Nhưng đến ngày thu hoạch, bí chín đầy ruộng, người công ty tự dưng mất tích, tìm đến trụ sở thì không còn một ai (?).
Kim Yến