Giá lợn hơi tăng do nguồn cung hạn chế
Tại các tỉnh phía Bắc, giá heo hơi dao động trong khoảng 68.000 - 69.000 đồng/kg, giảm nhẹ 1.000 đồng/kg sau chuỗi ngày dài tăng giá. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên giá đi ngang. Mức giá cao nhất là 69.000 đồng/kg, tiếp tục được ghi nhận tại Lâm Đồng. Tại miền Nam tiếp tục tăng nhẹ tại nhiều nơi, dao động trong khoảng 66.000 - 70.000 đồng/kg.
Trong khi đó, hồi tháng Một, giá lợn hơi dao động trong khoảng 49.000-51.000 đồng/kg. Sang tháng Hai, giá lợn hơi dao động trong khoảng 54.000-58.000 đồng/kg. Chỉ trong 5 tháng, giá lợn hơi đã tăng khoảng 30-40%. Theo các chuyên gia, diễn biến tăng giá mạnh như hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn tháng Tư hàng năm là hiện tượng hiếm thấy bởi nhu cầu tiêu thụ thường giảm vào mùa hè.
Lý giải về hiện tượng giá lợn đang tăng trái quy luật tiêu dùng giảm vào mùa hè, ông Đỗ Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết do suốt năm 2023, giá lợn hơi quá thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên đã giảm số lượng lợn nuôi. Điều này dẫn đến sản lượng xuất chuồng hiện nay giảm nhiều, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu.
Ông Ngô Văn Chung, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội chia sẻ: "Để bán ra một kg thịt bây giờ rất dễ nhưng thực tế người chăn nuôi không có lợn và rất ít lợn để bán, chính vì thế giá mới tăng lên. Từ đầu năm 2023, do ảnh hưởng của bão giá lợn hơi và dịch bệnh nên nhiều trang trại phải chuyển từ nuôi lợn thịt sang bán lợn giống”.
Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ: “Hợp tác xã Hoàng Long duy trì tổng đàn gồm 4.500 con lợn thịt và 400 con lợn nái. Chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến, mỗi tháng trung bình Hợp tác xã cung cấp ra thị trường 70-80 tấn thịt lợn hơi. Giá lợn hơi bây giờ là khoảng 70.000 đồng/kg. Nó chênh nhau đến 2 triệu/tạ lợn”.
Ông Long cũng nói thêm: “Những tháng đầu năm đến nay, hợp tác xã đã bắt đầu có lãi khi giá lợn hơi tăng dần. Theo tính toán của các trang trại, tổng chi phí nuôi một con lợn đến khi xuất chuồng khoảng 3,2 triệu. Với giá bán lợn hơi như hiện tại, mỗi con lợn 100 kg xuất chuồng, người nuôi lãi khoảng 2 triệu đồng. Giá lợn đang ở mức có lợi cho người chăn nuôi tuy nhiên nguồn cung lúc này lại hạn chế.
Đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu hiện đã giảm so với giai đoạn trước đây, nhưng chi phí con giống lại tăng vọt dưới tác động của dịch tả lợn châu Phi, khiến tổng thể chung chi phí cho hoạt động chăn nuôi heo ở Việt Nam vẫn neo cao.
Thực tế, khi được giá thì lại không có lợn để bán, kéo theo những tác động đến thị trường. Giá lợn hơi tăng ngay lập tức tác động đến thị trường lợn thịt. Tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh, giá các loại thịt tăng theo mức giá lợn hơi.
Khảo sát tại các chợ dân sinh, chị Nguyễn Thị Ngà, tiểu thương tại chợ Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Giá lợn hơi chị nhập vào tăng quá, 70.000 đồng/kg, có khi còn hơn, nên giá bán ra cũng tăng, dạo động từ 130.000-150.000 đồng/kg rồi. Giá cao nên mọi người đi chợ cũng mua ít hơn, không mua nhiều như trước nữa”.
Tìm giải pháp bình ổn thị trường
Việc tăng giá thịt lợn cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người tiêu dùng bởi giá bán thịt đã tăng. Bà Mai Hương (Phú Thọ) nói: “Hiện tôi mua thịt ba chỉ tại chợ quê giá 130.000-140.000 đồng/kg, việc tăng giá này khiến tôi phải thắt chặt chi tiêu, mua ít hơn và thay thế bằng việc thêm các món ăn khác giá thành rẻ hơn”.
Chị Lan Anh (Hà Nội), thường xuyên mua thịt lợn trong siêu thị gần nhà ở quận Hà Đông. Chị cho hay: “Tuần trước tôi vừa mua thịt lợn ba chỉ giá 135.000/kg, thịt vai giá 100.000 đồng/kg, thịt băm giá 95.000 đồng/kg, mà sang tuần này thịt ba chỉ đã tăng giá lên 145.000 đồng/kg, thịt lợn vai tăng giá lên 110.000 đồng/kg, thịt băm cũng tăng giá lên 105.000 đồng/kg. Trong 1 tuần thôi mà giá thịt lợn đã tăng 10.000 đồng/kg, trong khi thu nhập không hề tăng, nên gia đình cũng phải cân đối chi tiêu”.
Chị Vũ Thoan (Hà Nội) cũng thở dài: “Giá thịt lợn dạo này lên cao quá, tôi mua cũng 140.000 đồng/kg, mà không ăn thịt lợn thì cũng không biết ăn món gì. Chi phí cho việc mua thịt lợn trong các bữa ăn hàng ngày tăng lên khiến chi tiêu của cả gia đình cũng bị đội lên”.
Năm ngoái, người chăn nuôi vất vả chống chọi với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao mà giá thu mua thấp nên nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đã tạm ngưng, không tái đàn do thua lỗ. Tuy nhiên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn, thực hiện việc tiết kiệm trong mọi chi phí đầu vào, để hồi phục chăn nuôi.
Theo nhận định của các chuyên gia từ Maybank IBG Research (Công ty TNHH Chứng khoán Maybank), giá lợn hơi có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng biên độ tăng sẽ không quá mạnh như 5 tháng đầu năm nay. Trong ngắn hạn, giá có thể được hỗ trợ do nguồn cung giảm đến từ tổn thất của các nhà sản xuất quy mô nhỏ và bùng phát dịch bệnh. Trong dài hạn, mức giá lợn hơi hiện tại đã đủ hợp lý để các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn trở lại, sau khoảng thời gian thua lỗ vì giá lợn hơi thấp kéo dài. Việc tái đàn sẽ giúp nguồn cung thịt lợn tăng lên vào dịp cuối năm nay, cũng là mùa cao điểm tiêu thụ heo.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 5 tháng đầu năm, tổng đàn lợn của cả nước đạt hơn 28 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trong nhiều năm, chăn nuôi nói chung thua lỗ. Đến giờ này, người ta thu hồi được một phần vốn để tái sản xuất, nâng cao công nghệ, hoàn thiện quy trình chăn nuôi đầy đủ an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đây là tín hiệu rất tốt với ngành chăn nuôi, đặc biệt là tình hình kinh tế xã hội đang phục hồi, nhu cầu cho thị trường lớn hơn, tăng trưởng sẽ phù hợp với nhu cầu và giá sẽ ổn định trong những tháng tới”.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khuyến nghị: “Người tái đàn phải lưu ý, nuôi vẫn phải đảm bảo an toàn sinh học. Đặc biệt, tránh việc mất cân đối cung cầu. Giá giống cao, phải làm theo chuỗi, chuỗi từ khâu sản xuất con giống đến nuôi thịt liên kết đến việc lưu thông phân phối giết mổ và tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị lùi thời gian kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi để giảm các chi phí phát sinh, tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước, vốn hiện nay đã đang rất cao so với các nước phát triển. Chỉ tính riêng kinh phí chi cho hoạt động kiểm kê, thì hằng năm mỗi cơ sở chăn nuôi đã mất từ 100-150 triệu đồng.
Thu Trang