Sáng 11/4, các doanh nghiệp trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh giá vàng miếng SJC. Tính đến 10h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào - bán ra ở mức 103,4 - 106,4 triệu đồng/lượng, tăng tới 2,8 triệu đồng/lượng so với phiên trước, thiết lập mức giá cao kỷ lục.

Tại Hà Nội và TP. HCM, giá vàng miếng DOJI cũng tăng mạnh lên 103,4 - 106,4 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu khác như PNJ niêm yết ở mức 101,9 - 105,1 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 2 - 2,2 triệu đồng/lượng.

Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn cũng tăng vọt. Tập đoàn Doji niêm yết vàng nhẫn Hưng Thịnh Vượng 9999 ở mức 101,4 - 105 triệu đồng/lượng, trong khi Phú Quý niêm yết 102 - 105,8 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn SJC 9999 được bán ra ở mức 105,4 triệu đồng/lượng. Mức tăng này đưa giá vàng nhẫn tiệm cận vàng miếng, với chênh lệch hiện chỉ còn khoảng 400.000 - 600.000 đồng/lượng tùy thương hiệu.

Giá vàng thế giới vượt mốc 3.200 USD/ounce

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay vào sáng 11/4 tại Singapore đã tăng 1,1%, lên mức 3.212,41 USD/ounce, tiếp tục hướng đến mức tăng gần 6% trong tuần. Trước đó, giá vàng có thời điểm lên đến 3.219,48 USD/ounce – mức cao nhất trong lịch sử.

Theo Bloomberg, đà tăng của vàng được thúc đẩy bởi lo ngại về tác động tiêu cực của các chính sách thuế quan lên nền kinh tế toàn cầu. Nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ vàng như một tài sản trú ẩn an toàn, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu và đồng USD đồng loạt giảm điểm.

Bà Liu Yuxuan, chuyên gia tại công ty Guotai Jun’an Futures (Thượng Hải), nhận định: “Căng thẳng thương mại chưa từng có tiền lệ đã làm gia tăng sự mất lòng tin vào đồng USD, đồng thời thúc đẩy nhu cầu vàng”.

Thêm vào đó, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm nay càng củng cố vị thế của vàng. Lạm phát cơ bản tại Mỹ trong tháng 3 đã chững lại, mở ra khả năng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ từ ba đến bốn lần trong thời gian tới.

Phương Thảo (t/h)