Theo Reuters, giá vàng thế giới có xu hướng giảm vào phiên 23/9 sau khi đạt mức cao kỷ lục khi tâm lý thị trường mạnh mẽ và căng thẳng địa chính trị được cân bằng bởi đồng USD mạnh hơn khiến một số nhà đầu tư chốt lời. Vàng giao ngay ở mức 2.622,16 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.631,31 USD/ounce vào đầu phiên.
Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết, đợt tăng giá này là sự tiếp nối của động lực "sợ bỏ lỡ" sau đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước.
Giá vàng đã tăng hơn 27% trong năm nay, hướng đến mức tăng hằng năm lớn nhất trong 14 năm.
Ông Hansen cho biết: "Thị trường ngày càng cần sự củng cố, nhưng tại thời điểm này, cần phải củng cố sâu sắc để làm rung chuyển các quỹ đầu cơ đang nắm giữ mức cược lớn nhất vào giá cao hơn kể từ năm 2020".
Về mặt kỹ thuật, Chỉ số sức mạnh tương đối của vàng hiện ở mức 71 đã ở trong vùng "quá mua" kể từ thứ Sáu.
Theo chiến lược gia hàng hóa Soni Kumari của ANZ thì, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ khả năng cắt giảm lãi suất trong tương lai. Các yếu tố chính trong tương lai sẽ là tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed -cụ thể là liệu có cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản trong năm nay hay không và quỹ đạo chung của chu kỳ nới lỏng này”,
Trong khi đó, tại thị trường Châu Á, giao dịch gần mức cao kỷ lục của tuần trước vào phiên 23/9 trong bối cảnh các nhà giao dịch đón nhận hiệu ứng tích cực sau khi Fed cắt giảm mạnh lãi suất và những dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm các đợt cắt giảm trong tương lai.
Nhu cầu tăng vọt từ người tiêu dùng Ấn Độ đối với trang sức và vàng thỏi sau khi chính phủ nước này mới đây hạ thuế nhập khẩu vàng đang góp phần đẩy giá vàng toàn cầu lên các mức cao kỷ lục mới.
Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ vừa được công bố hôm nay 24/9, kim ngạch nhập khẩu vàng của Ấn Độ đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong tháng 8/2024, đạt tổng giá trị 10,06 tỷ USD. Theo ước tính sơ bộ từ công ty tư vấn Metals Focus, con số này tương đương với khoảng 131 tấn vàng nhập khẩu, đứng thứ sáu trong lịch sử về khối lượng.
Giá vàng thế giới tăng cao, khoảng 25% kể từ đầu năm đến nay, khiến những người mua vàng ở Châu Á, vốn nhạy cảm với giá cả, chùn bước. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đã cắt giảm thuế nhập khẩu vàng 9 điểm phần trăm vào cuối tháng 7/2024, thúc đẩy làn sóng nhu cầu mới ở quốc gia mua vàng lớn thứ hai thế giới này.
Ông Philip Newman, Giám đốc điều hành của Metals Focus tại London, nhận định: "Tác động của việc giảm thuế rất đáng kinh ngạc và chưa từng có. Nó thực sự thu hút người tiêu dùng".
Theo các nhà phân tích, kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất nhanh chóng là yếu tố chính thúc đẩy giá vàng tăng mạnh trong năm nay. Nhu cầu mạnh mẽ đối với trang sức và vàng thỏi, cũng như việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vào, cũng góp phần duy trì sự vững mạnh của giá vàng.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Ấn Độ chiếm khoảng 1/3 nhu cầu vàng trang sức toàn cầu trong năm ngoái và đã trở thành thị trường vàng thỏi và tiền vàng lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu này đã khiến giá vàng trong nước ở Ấn Độ nhanh chóng trở lại mức trước khi giảm thuế nhập khẩu.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đã tăng cường mua vàng, bổ sung 42 tấn vàng vào kho dự trữ trong bảy tháng đầu năm, hơn gấp đôi so với cả năm 2023. Một nguồn tin quen thuộc với quan điểm của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho biết, các giao dịch mua vàng là một phần “thường lệ” trong việc quản lý dự trữ ngoại hối và ổn định tiền tệ.
Tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu vàng vật chất lớn nhất thế giới, giá cao đã khiến doanh số bán trang sức giảm, nhưng doanh số bán vàng thỏi và tiền vàng trong quý II/2024 tăng vọt 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Paul Wong, chiến lược gia thị trường tại Sprott Asset Management thông tin: “Chúng tôi nhận thấy mối tương quan tích cực mạnh mẽ giữa nhu cầu đầu tư vàng và giá vàng. Tất cả những yếu tố này đã giúp hỗ trợ thị trường vàng vật chất và giảm thiểu tác động của việc giá cao có thể làm nhu cầu suy yếu. Ở một số khu vực của Châu Á, vàng có thể chuyển đổi dễ dàng thành tiền tệ, khiến nó trở thành một khoản tiết kiệm phổ biến".
Nhu cầu từ các nhà đầu tư phương Tây cũng là một yếu tố lớn trong đợt tăng giá vàng, với 7,6 tỷ USD vốn đầu tư ròng đổ vào các quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng trong 4 tháng qua. Sau khi đạt mức cao kỷ lục mới vào tuần trước, các nhà phân tích cảnh báo thị trường kim loại quý này có thể chứng kiến sự điều chỉnh.
Ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu tại BullionVault, một sàn giao dịch vàng trực tuyến tại London, nhận định: “Tôi nghĩ rằng có khả năng sẽ diễn ra đợt điều chỉnh đối với vàng cùng với các tài sản khác. Dù giá vàng có giảm khỏi mức cao kỷ lục hay không, nhu cầu vàng trang sức ở Ấn Độ có vẻ sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong mùa cưới sắp tới".
Theo Reuters